Trung tâm tư vấn pháp luật có bắt buộc niêm yết mức thù lao tư vấn tại trụ sở không? Trường hợp không niêm yết có bị phạt không?
- Trung tâm tư vấn pháp luật có bắt buộc niêm yết mức thù lao tư vấn tại trụ sở không?
- Trung tâm tư vấn pháp luật không niêm yết mức thù lao tư vấn tại trụ sở có thể bị xử phạt như thế nào?
- Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Tư pháp có quyền xử phạt hành chính đối với hành vi không niêm yết mức thù lao tư vấn pháp luật tại trụ sở không?
Trung tâm tư vấn pháp luật có bắt buộc niêm yết mức thù lao tư vấn tại trụ sở không?
Theo khoản 3 Điều 11 Nghị định 77/2008/NĐ-CP quy định về hoạt động tư vấn pháp luật có thu thù lao như sau:
Tư vấn pháp luật có thu thù lao
1. Ngoài hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí cho các đối tượng quy định tại Điều 10 của Nghị định này, Trung tâm tư vấn pháp luật được thu thù lao đối với cá nhân, tổ chức khác có yêu cầu tư vấn pháp luật để bù đắp chi phí cho hoạt động của Trung tâm.
2. Việc thu thù lao của Trung tâm tư vấn pháp luật do tổ chức chủ quản quyết định. Trong trường hợp Trung tâm tư vấn pháp luật được thu thù lao thì tổ chức chủ quản có trách nhiệm quy định về mức thù lao.
3. Trung tâm tư vấn pháp luật có trách nhiệm niêm yết mức thù lao tại trụ sở của Trung tâm và chấp hành quy định của pháp luật về tài chính.
Theo quy định nêu trên thì Trung tâm tư vấn pháp luật có trách nhiệm niêm yết mức thù lao tư vấn pháp luật tại trụ sở của Trung tâm.
Trung tâm tư vấn pháp luật không niêm yết mức thù lao tư vấn tại trụ sở có thể bị xử phạt như thế nào?
Theo điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với không niêm yết mức thù lao tư vấn pháp luật tại trụ sở như sau:
Hành vi vi phạm quy định về hoạt động của trung tâm tư vấn pháp luật, chi nhánh của trung tâm tư vấn pháp luật
...
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không niêm yết mức thù lao tư vấn pháp luật tại trụ sở;
b) Không báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về tổ chức và hoạt động định kỳ hằng năm hoặc khi được yêu cầu; không lập, quản lý, sử dụng sổ sách, biểu mẫu theo quy định;
c) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền khi thay đổi nội dung đăng ký hoặc chấm dứt hoạt động của trung tâm tư vấn pháp luật; thay đổi giám đốc trung tâm, trưởng chi nhánh, tư vấn viên pháp luật, luật sư; thành lập hoặc chấm dứt hoạt động của chi nhánh của trung tâm tư vấn pháp luật;
d) Không có biển hiệu hoặc sử dụng biển hiệu không đúng nội dung giấy đăng ký hoạt động;
đ) Cho người không phải là tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật của trung tâm tư vấn pháp luật, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho trung tâm để thực hiện tư vấn pháp luật dưới danh nghĩa của trung tâm tư vấn pháp luật;
e) Cử người không phải là luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho trung tâm tư vấn pháp luật tham gia tố tụng để bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu tư vấn pháp luật;
g) Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy đăng ký hoạt động của trung tâm tư vấn pháp luật;
h) Thực hiện tư vấn pháp luật khi chưa được cấp giấy đăng ký hoạt động.
...
Theo quy định nêu trên thì Trung tâm tư vấn pháp luật không niêm yết mức thù lao tư vấn pháp luật tại trụ sở có thể bị xử phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.
Lưu ý: Theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền quy định tại các Điều 9 Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.
Trung tâm tư vấn pháp luật không niêm yết mức thù lao tư vấn tại trụ sở (Hình từ Internet)
Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Tư pháp có quyền xử phạt hành chính đối với hành vi không niêm yết mức thù lao tư vấn pháp luật tại trụ sở không?
Theo điểm b khoản 2 Điều 88 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra như sau:
Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
...
2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra:
...
b) Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Tư pháp xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 5; các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 6; các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 7; Điều 8; các khoản 1, 2 và 3 Điều 9; các Điều 10, 11, 12, 13, 14 và 15; các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 16; Điều 17; Mục 4 Chương II; các Điều 21 và 22; các khoản 1, 2 và 3 Điều 23; các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 24; Mục 6 và Mục 7 Chương II; Điều 31 và Điều 32; các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 33; Mục 1 và Mục 2 Chương III; Điều 48 và Điều 49; các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 50; Mục 4 và Mục 5 Chương III; các khoản 1, 2 và 3 Điều 56; các khoản 1, 2 và 3 Điều 57; các Điều 58, 59, 60, 61 và 62; các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 63; các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 64; Điều 65 và Điều 78; các khoản 1, 2 và 3 Điều 79; Điều 80; khoản 2 và các điểm a, b, c, d, đ, e, g, k và l khoản 3 Điều 81 Nghị định này;
Theo điểm b khoản 5 Điều 84 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Tư pháp như sau:
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Thanh tra
...
5. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Tư pháp có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 21.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình; đến 28.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; đến 35.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp;
...
Theo các quy định nêu trên thì Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Tư pháp có quyền xử phạt hành chính đối với Trung tâm tư vấn pháp luật không niêm yết mức thù lao tư vấn pháp luật tại trụ sở.
Lưu ý: Theo khoản 6 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định thẩm quyền phạt tiền của các chức danh được quy định tại Chương VIII Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, thẩm quyền phạt tiền tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền phạt tiền cá nhân.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.