Trục xuất người phạm tội là gì? Có thể kéo dài thời hạn buộc phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với người bị trục xuất trong trường hợp nào?
Trục xuất người phạm tội là gì?
Căn cứ vào Điều 37 Bộ luật Hình sự 2015 định nghĩa về trục xuất người phạm tội như sau:
Trục xuất
Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trục xuất được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.
Bên cạnh đó, Điều 32 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:
Các hình phạt đối với người phạm tội
1. Hình phạt chính bao gồm:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền;
c) Cải tạo không giam giữ;
d) Trục xuất;
đ) Tù có thời hạn;
e) Tù chung thân;
g) Tử hình.
2. Hình phạt bổ sung bao gồm:
a) Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
b) Cấm cư trú;
c) Quản chế;
d) Tước một số quyền công dân;
đ) Tịch thu tài sản;
e) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính;
g) Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.
3. Đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
Như vậy, trục xuất người phạm tội là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trục xuất người phạm tội có thể được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.
Trục xuất người phạm tội là gì?
Có thể kéo dài thời hạn buộc phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với người bị trục xuất trong trường hợp nào?
Căn cứ vào khoản 11 Điều 3 Luật Thi hành án hình sự 2019 thì thi hành án phạt trục xuất là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc người chấp hành án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Việc thực hiện buộc rời khỏi lãnh thổ Việt Nam được quy định tại Điều 123 Luật Thi hành án hình sự 2019 như sau:
Thực hiện buộc rời khỏi lãnh thổ Việt Nam
1. Đến thời hạn người chấp hành án phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phối hợp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền tiến hành kiểm tra căn cước của người chấp hành án phạt trục xuất và áp giải người đó đến địa điểm xuất cảnh và buộc rời khỏi lãnh thổ Việt Nam. Người chấp hành án phạt trục xuất được mang theo tài sản hợp pháp của mình khi rời khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thi hành xong án phạt trục xuất, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải thông báo việc thi hành án phạt trục xuất cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.
2. Tòa án đã ra quyết định thi hành án có thẩm quyền quyết định kéo dài thời hạn buộc phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với người chấp hành án thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đang ốm nặng, đang phải cấp cứu không thể đi lại được và được cơ quan y tế hoặc bệnh viện từ cấp tỉnh trở lên xác nhận;
b) Phải chấp hành bản án khác hoặc thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam;
c) Có lý do chính đáng khác chưa thể rời khỏi lãnh thổ Việt Nam được Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh xác nhận.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định kéo dài thời hạn buộc phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với người chấp hành án, Tòa án phải gửi quyết định đó cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở, Viện kiểm sát cùng cấp.
Như vậy, Tòa án đã ra quyết định thi hành án có thẩm quyền quyết định kéo dài thời hạn buộc phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với người chấp hành án thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đang ốm nặng, đang phải cấp cứu không thể đi lại được và được cơ quan y tế hoặc bệnh viện từ cấp tỉnh trở lên xác nhận;
- Phải chấp hành bản án khác hoặc thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Có lý do chính đáng khác chưa thể rời khỏi lãnh thổ Việt Nam được Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh xác nhận.
Trường hợp người chấp hành án phạt trục xuất không có khả năng tự chịu chi phí trục xuất thì sao?
Căn cứ vào Điều 124 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về chi phí trục xuất như sau:
Chi phí trục xuất
Người chấp hành án phạt trục xuất phải chịu chi phí vé máy bay, ô tô, tàu hỏa, tàu biển để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam; trường hợp người chấp hành án phạt trục xuất không có khả năng tự chịu chi phí thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phối hợp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà người đó làm việc, cơ quan, tổ chức đã bảo lãnh người đó vào Việt Nam giải quyết kinh phí đưa người chấp hành án phạt trục xuất về nước; trường hợp đã yêu cầu mà cơ quan, tổ chức đó vẫn chưa giải quyết được kinh phí nhưng vì lý do an ninh quốc gia cần phải trục xuất ngay thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an quyết định việc sử dụng ngân sách nhà nước chi trả vé máy bay, ô tô, tàu hỏa, tàu biển cho người chấp hành án phạt trục xuất.
Như vậy, người chấp hành án phạt trục xuất phải chịu chi phí vé máy bay, ô tô, tàu hỏa, tàu biển để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.
- Trường hợp người chấp hành án phạt trục xuất không có khả năng tự chịu chi phí thì:
+ Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phối hợp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà người đó làm việc, cơ quan, tổ chức đã bảo lãnh người đó vào Việt Nam giải quyết kinh phí đưa người chấp hành án phạt trục xuất về nước;
+ Trường hợp đã yêu cầu mà cơ quan, tổ chức đó vẫn chưa giải quyết được kinh phí nhưng vì lý do an ninh quốc gia cần phải trục xuất ngay thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an quyết định việc sử dụng ngân sách nhà nước chi trả vé máy bay, ô tô, tàu hỏa, tàu biển cho người chấp hành án phạt trục xuất.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.