Trong vụ án hình sự, Luật sư tham gia tố tụng với tư cách là gì? Giấy tờ cần xuất trình khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận người bào chữa?
Trong vụ án hình sự, Luật sư tham gia tố tụng với tư cách là gì?
Căn cứ quy định tại Điều 22 Luật Luật sư 2006 về phạm vi hành nghề luật sư như sau:
Phạm vi hành nghề luật sư
1. Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.
2. Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật.
3. Thực hiện tư vấn pháp luật.
4. Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật.
5. Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật này.
Như vậy, trong vụ án hình sự, Luật sư tham gia tố tụng với tư cách là:
- Người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc;
- Người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.
Lưu ý: Theo quy định tại Điều 55 Luật Luật sư 2006, mức thù lao của Luật sư được tính dựa trên các căn cứ sau đây:
Theo đó, mức thù lao của Luật sư được tính dựa trên các căn cứ sau đây:
- Nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý;
- Thời gian và công sức của luật sư sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý;
- Kinh nghiệm và uy tín của luật sư.
Và thù lao được tính theo các phương thức sau đây:
- Giờ làm việc của luật sư;
- Vụ, việc với mức thù lao trọn gói;
- Vụ, việc với mức thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án;
- Hợp đồng dài hạn với mức thù lao cố định.
Trong vụ án hình sự, Luật sư tham gia tố tụng với tư cách là gì? Giấy tờ cần xuất trình khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận người bào chữa? (Hình từ Internet)
Ngoài thẻ luật sư, khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận người bào chữa, luật sư còn phải xuất trình các giấy tờ nào?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Luật Luật sư 2006 (được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012), ngoài thẻ luật sư, khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận người bào chữa, luật sư còn phải xuất trình giấy tờ sau đây:
- Giấy yêu cầu luật sư của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc của người khác hoặc;
- Văn bản cử luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề hoặc;
- Văn bản phân công của Đoàn luật sư đối với luật sư hành nghề với tư cách cá nhân trong trường hợp tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc trong trường hợp thực hiện trợ giúp pháp lý.
Lưu ý:
- Trong trường hợp người tập sự hành nghề luật sư đi cùng với luật sư hướng dẫn trong vụ án hình sự theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Luật sư 2006 thì khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận người bào chữa, luật sư hướng dẫn gửi kèm theo Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư và giấy tờ xác nhận có sự đồng ý của khách hàng đến cơ quan tiến hành tố tụng để đề nghị cho phép người tập sự được đi cùng luật sư hướng dẫn.
- Chậm nhất là ba ngày làm việc hoặc 24 giờ đối với trường hợp tạm giữ, kể từ khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư, trong đó cho phép người tập sự hành nghề luật sư tham gia vụ việc (nếu có); trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật tố tụng.
- Khi cần liên hệ với cá nhân, cơ quan, tổ chức để thực hiện quyền, nghĩa vụ và các hoạt động có liên quan đến việc bào chữa trong vụ án hình sự, luật sư xuất trình Thẻ luật sư và Giấy chứng nhận người bào chữa của luật sư.
Luật sư bị từ chối cấp Giấy chứng nhận người bào chữa trong trường hợp nào?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Luật Luật sư 2006 (được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012), Luật sư chỉ bị từ chối cấp Giấy chứng nhận người bào chữa khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất từ chối luật sư;
- Luật sư là người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng trong vụ án đó;
- Luật sư đã tham gia trong vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định hoặc người phiên dịch;
- Luật sư là người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.