Trong vụ án dân sự, ai phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo quy định pháp luật?
- Trong vụ án dân sự, ai phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ?
- Xử lý tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong vụ án dân sự như thế nào?
- Việc Tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ là một trong các biện pháp Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ đúng không?
- Việc xem xét, thẩm định tại chỗ trong vụ án dân sự có phải ghi thành biên bản không?
Trong vụ án dân sự, ai phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ?
Căn cứ quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là số tiền mà Tòa án tạm tính để tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ.
Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho việc xem xét, thẩm định tại chỗ căn cứ vào quy định của pháp luật.
Ai phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong vụ án dân sự thì căn cứ Điều 156 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ như sau:
Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ
1. Người yêu cầu Tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo yêu cầu của Tòa án.
2. Trường hợp Tòa án xét thấy cần thiết và quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ thì nguyên đơn, người yêu cầu giải quyết việc dân sự, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.
Như vậy, người yêu cầu Tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo yêu cầu của Tòa án.
Trong trường hợp Tòa án xét thấy cần thiết và quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ thì nguyên đơn, người yêu cầu giải quyết việc dân sự, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo quy định.
Trong vụ án dân sự, ai phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo quy định pháp luật? (Hình từ Internet)
Xử lý tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong vụ án dân sự như thế nào?
Theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì việc xử lý tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong vụ án dân sự được thực hiện như sau:
(1) Trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ không phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ thì người phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo quyết định của Tòa án phải hoàn trả cho người đã nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.
(2) Trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, nếu số tiền tạm ứng đã nộp chưa đủ cho chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ thực tế thì họ phải nộp thêm phần tiền còn thiếu;
Nếu số tiền tạm ứng đã nộp nhiều hơn chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ thực tế thì họ được trả lại phần tiền còn thừa theo quyết định của Tòa án.
Việc Tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ là một trong các biện pháp Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ đúng không?
Căn cứ khoản 2 Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ:
- Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng;
- Đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng;
- Trưng cầu giám định;
- Định giá tài sản;
- Xem xét, thẩm định tại chỗ;
- Ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ;
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự;
- Xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú;
- Các biện pháp khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Như vậy, theo quy định, việc Tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ là một trong các biện pháp Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ.
Việc xem xét, thẩm định tại chỗ trong vụ án dân sự có phải ghi thành biên bản không?
Căn cứ quy định tại Điều 101 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về việc xem xét, thẩm định tại chỗ như sau:
Xem xét, thẩm định tại chỗ
1. Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ với sự có mặt của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định và phải báo trước việc xem xét, thẩm định tại chỗ để đương sự biết và chứng kiến việc xem xét, thẩm định đó.
2. Việc xem xét, thẩm định tại chỗ phải được ghi thành biên bản. Biên bản phải ghi rõ kết quả xem xét, thẩm định, mô tả rõ hiện trường, có chữ ký của người xem xét, thẩm định và chữ ký hoặc điểm chỉ của đương sự nếu họ có mặt, của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định và những người khác được mời tham gia việc xem xét, thẩm định. Sau khi lập xong biên bản, người xem xét, thẩm định phải yêu cầu đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định ký tên và đóng dấu xác nhận.
...
Như vậy, theo quy định, việc xem xét, thẩm định tại chỗ trong vụ án dân sự phải được ghi thành biên bản.
Lưu ý:
- Biên bản phải ghi rõ kết quả xem xét, thẩm định, mô tả rõ hiện trường, có chữ ký của người xem xét, thẩm định và chữ ký hoặc điểm chỉ của đương sự nếu họ có mặt, của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định và những người khác được mời tham gia việc xem xét, thẩm định.
- Sau khi lập xong biên bản, người xem xét, thẩm định phải yêu cầu đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định ký tên và đóng dấu xác nhận.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.