Trong việc cấp tín dụng hợp vốn của ngân hàng thương mại có thể thực hiện theo hình thức cho vay không?
- Trong việc cấp tín dụng hợp vốn của ngân hàng thương mại có thể thực hiện theo hình thức cho vay không?
- Cá nhân có nhu cầu cấp tín dụng hợp vốn để thực hiện dự án đầu tư có thể đề nghị với ngân hàng thương mại không?
- Đối với việc cho vay hợp vốn thì hợp đồng hợp vốn giữa khách hàng và ngân hàng thương mại cần đáp ứng những nội dung gì?
Trong việc cấp tín dụng hợp vốn của ngân hàng thương mại có thể thực hiện theo hình thức cho vay không?
Căn cứ Điều 4 Thông tư 42/2011/TT-NHNN quy định về các hình thức cấp tín dụng hợp vốn như sau:
Các hình thức cấp tín dụng hợp vốn
1. Cho vay hợp vốn.
2. Hợp vốn để bảo lãnh.
3. Hợp vốn để chiết khấu.
4. Cho thuê tài chính hợp vốn.
5. Hợp vốn để thực hiện bao thanh toán.
6. Hợp vốn để thực hiện việc kết hợp các hình thức cấp tín dụng nêu trên.
7. Hợp vốn để cấp tín dụng theo các hình thức khác.
Theo đó, trong các hình thức cấp tín dụng hợp vốn nêu trên thì có hình thức cho vay hợp vốn. Như vậy, ngân hành thương mại có thể cấp tín dụng hợp vốn cho khách hành theo hình thức cho vay.
Trong việc cấp tín dụng hợp vốn của ngân hàng thương mại có thể thực hiện theo hình thức cho vay không? (Hình từ Internet)
Cá nhân có nhu cầu cấp tín dụng hợp vốn để thực hiện dự án đầu tư có thể đề nghị với ngân hàng thương mại không?
Căn cứ Điều 5 Thông tư 42/211/TT-NHNN quy định về các trường hợp thực hiện cấp tín dụng hợp vốn như sau:
Các trường hợp thực hiện cấp tín dụng hợp vốn
1. Nhu cầu xin cấp tín dụng để thực hiện dự án của khách hàng vượt giới hạn cấp tín dụng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
2. Khả năng tài chính và nguồn vốn của một tổ chức tín dụng không đáp ứng được nhu cầu cấp tín dụng của dự án.
3. Nhu cầu phân tán rủi ro của tổ chức tín dụng.
4. Khách hàng có nhu cầu được cấp tín dụng từ nhiều tổ chức tín dụng khác nhau để thực hiện dự án.
5. Các tổ chức tín dụng cấp tín dụng hợp vốn đối với các dự án quan trọng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bên cạnh đó, tại Điều 8 Thông tư 42/2011/TT-NHNN (sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 24/2016/TT-NHNN) quy định về đề xuất việc cấp tín dụng hợp vốn như sau:
Đề xuất việc cấp tín dụng hợp vốn
1. Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp tín dụng của khách hàng, tổ chức tín dụng thực hiện thẩm định sơ bộ hồ sơ, tính khả thi và đề nghị cấp tín dụng của khách hàng.
2. Trường hợp cần cấp tín dụng hợp vốn đối với khách hàng, tổ chức tín dụng phát hành thư mời cấp tín dụng hợp vốn, kèm theo các tài liệu có liên quan để gửi cho các tổ chức tín dụng dự kiến mời cấp tín dụng hợp vốn.
Từ những quy định trên thì khi có nhu cầu đầu tư cấp tín dụng hợp vốn thì cá nhân có thể gửi hồ sơ yêu cầu tới ngân hàng thương mại.
Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp tín dụng của khách hàng, ngân hành thương mại sẽ thực hiện thẩm định sơ bộ hồ sơ, tính khả thi và đề nghị cấp tín dụng của khách hàng.
Đối với việc cho vay hợp vốn thì hợp đồng hợp vốn giữa khách hàng và ngân hàng thương mại cần đáp ứng những nội dung gì?
Căn cứ Điều 11 Thông tư 42/2011/TT-NHNN quy định về nội dung trong hợp đồng hợp vốn như sau:
Hợp đồng hợp vốn
1. Căn cứ vào thông báo của các thành viên, thành viên đầu mối dàn xếp triệu tập cuộc họp các thành viên để thỏa thuận hợp đồng hợp vốn.
2. Hợp đồng hợp vốn tuân thủ các quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự, về hoạt động cấp tín dụng, các quy định của pháp luật có liên quan và phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ các thành viên tham gia cấp tín dụng hợp vốn;
b) Tên khách hàng, dự án và các thông tin chủ yếu về dự án;
c) Thành viên đầu mối cấp tín dụng hợp vốn;
d) Thành viên đầu mối dàn xếp cấp tín dụng hợp vốn nếu có;
đ) Thành viên đầu mối thanh toán nếu có;
e) Thành viên đầu mối nhận tài sản bảo đảm nếu có;
g) Hình thức cấp tín dụng, tổng số tiền cấp tín dụng hợp vốn; tỷ lệ tham gia của các thành viên trong việc cấp tín dụng cho dự án; mức lãi được hưởng của từng thành viên và các chi phí phát sinh trong quá trình cấp tín dụng hợp vốn theo quy định của pháp luật;
h) Phương thức giải ngân, thu nợ lãi và gốc;
i) Tài sản đảm bảo và quản lý tài sản đảm bảo; Cơ chế xử lý tài sản đảm bảo khi khách hàng không trả nợ đúng hạn;
k) Thù lao dành cho các thành viên đầu mối nếu có;
l) Quyền và nghĩa vụ của các thành viên và thành viên đầu mối;
m) Phương thức xử lý rủi ro trong quá trình cấp tín dụng hợp vốn, giải quyết bất đồng giữa các thành viên tham gia cấp tín dụng hợp vốn;
n) Cơ chế kiểm tra trong và sau cấp tín dụng hợp vốn;
o) Cơ chế về cung cấp thông tin đối với việc cấp tín dụng hợp vốn;
p) Thỏa thuận về việc cử thành viên làm đại diện chủ sở hữu tài sản cho thuê tài chính đối với khách hàng trong nghiệp vụ hợp vốn để cho thuê tài chính;
q) Những thỏa thuận khác.
3. Trường hợp thành viên vi phạm các quy định trong hợp đồng hợp vốn thì các bên còn lại có quyền khởi kiện thành viên vi phạm theo quy định của pháp luật.
Như vậy, hợp đồng hợp vốn giữa khách hàng và ngân hàng thương mại cần đảm bảo thể hiện được các nội dung như tên, địa chỉ các thành viên tham gia cấp tín dụng hợp vốn; tên khách hàng, dự án và các thông tin chủ yếu về dự án; thành viên đầu mối cấp tín dụng hợp vốn;...và các nội dung khác theo quy định pháp luật nêu trên.
Trường hợp thành viên vi phạm các quy định trong hợp đồng hợp vốn thì các bên còn lại có quyền khởi kiện thành viên vi phạm theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.