Trong trường hợp nếu có người ngã xuống nước thì phương tiện giao thông đường thủy nội địa phát tín hiệu như thế nào?
- Tai nạn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa theo quy định pháp luật
- Trong trường hợp nếu có người ngã xuống nước thì phương tiện giao thông đường thủy nội địa phát tín hiệu như thế nào?
- Báo hiệu đường thuỷ nội địa được quy định ra sao?
- Bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động đường thủy nội địa theo quy định pháp luật
- Tín hiệu của phương tiện trong lĩnh vực giao thông đường thủy được quy định như thế nào?
Tai nạn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa theo quy định pháp luật
Căn cứ khoản 29 Điều 3 Luật giao thông đường thủy nội địa 2004 (được bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014) quy định: Tai nạn giao thông đường thủy nội địa là tai nạn xảy ra trên đường thủy nội địa, trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa do đâm va hoặc sự cố liên quan đến phương tiện, tàu biển, tàu cá gây thiệt hại về người, tài sản, cản trở hoạt động giao thông hoặc gây ô nhiễm môi trường.
Tín hiệu trên phương tiện có người ngã xuống nước
Trong trường hợp nếu có người ngã xuống nước thì phương tiện giao thông đường thủy nội địa phát tín hiệu như thế nào?
Tại Điều 61 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 quy định về tín hiệu trên phương tiện có người ngã xuống nước
- Ban đêm, trên cột đèn thắp một đèn xanh giữa hai đèn đỏ, các đèn đặt cách nhau 1 mét, đèn đỏ dưới cao hơn mặt nước 2 mét, đồng thời phát âm hiệu liên tục theo quy định tại khoản 7 Điều 47 của Luật này.
- Ban ngày, trên cột đèn treo cờ hiệu "Cờ chữ O", đồng thời phát âm hiệu liên tục theo quy định tại khoản 7 Điều 47 của Luật này.
Bên cạnh đó, Điều 47 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 quy định về âm hiệu thông báo như sau:
Thuyền trưởng, người lái phương tiện thông báo tình trạng hoạt động của phương tiện mà mình đang điều khiển bằng âm hiệu như sau:
- Bốn tiếng ngắn là tín hiệu gọi các phương tiện khác đến giúp đỡ;
- Năm tiếng ngắn là tín hiệu không thể nhường đường;
- Một tiếng dài là tín hiệu xin đường, các phương tiện khác chú ý;
- Hai tiếng dài là tín hiệu dừng lại;
- Ba tiếng dài là tín hiệu sắp cập bến, rời bến, chào nhau;
- Bốn tiếng dài là tín hiệu xin mở cầu, cống, âu tàu;
- Ba tiếng ngắn, ba tiếng dài, ba tiếng ngắn là tín hiệu có người trên phương tiện bị ngã xuống nước;
- Một tiếng dài, hai tiếng ngắn là tín hiệu phương tiện bị mắc cạn, phương tiện đang thực hiện nghiệp vụ trên luồng;
- Hai tiếng dài, hai tiếng ngắn là tín hiệu phương tiện mất chủ động.
Báo hiệu đường thuỷ nội địa được quy định ra sao?
Theo Điều 12 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 quy định về báo hiệu đường thuỷ nội địa như sau:
(1) Báo hiệu đường thuỷ nội địa bao gồm phao, biển báo, đèn hiệu và thiết bị phụ trợ khác nhằm hướng dẫn giao thông cho phương tiện hoạt động trên đường thuỷ nội địa.
(2) Hệ thống báo hiệu đường thuỷ nội địa bao gồm:
a) Báo hiệu dẫn luồng để chỉ giới hạn luồng hoặc hướng tàu chạy;
b) Báo hiệu chỉ vị trí nguy hiểm để chỉ nơi có vật chướng ngại hoặc vị trí nguy hiểm khác trên luồng;
c) Báo hiệu thông báo chỉ dẫn để thông báo cấm, thông báo hạn chế hoặc chỉ dẫn các tình huống có liên quan đến luồng.
(3) Tuyến đường thủy nội địa đã được công bố, quản lý phải được lắp đặt và duy trì hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa.
(4) Chủ công trình, tổ chức, cá nhân gây ra vật chướng ngại trên đường thủy nội địa có trách nhiệm lắp đặt kịp thời và duy trì báo hiệu đường thủy nội địa theo quy định trong suốt thời gian xây dựng công trình hoặc thời gian tồn tại vật chướng ngại đó.
(5) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về báo hiệu đường thuỷ nội địa.
Bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động đường thủy nội địa theo quy định pháp luật
Theo Điều 6 Nghị định 08/2021/NĐ-CP quy định bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động đường thủy nội địa
- Các công trình, hoạt động liên quan đến đường thủy nội địa phải được bảo đảm an toàn, an ninh theo quy định của Nghị định này và quy định khác có liên quan của pháp luật.
- Trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động đường thủy nội địa
+ Chủ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, người khai thác cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động trên đường thủy nội địa có trách nhiệm bảo đảm và duy trì an toàn, an ninh công trình, hoạt động trong quá trình đầu tư xây dựng, quản lý khai thác theo quy định của pháp luật;
+ Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan quản lý chuyên ngành giao thông đường thủy nội địa, cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh đối với công trình và hoạt động liên quan đến đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; kiểm tra, xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an toàn, an ninh đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu theo quy định.
Tín hiệu của phương tiện trong lĩnh vực giao thông đường thủy được quy định như thế nào?
Tại Điều 45 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 quy định về tín hiệu của phương tiện cụ thể:
- Tín hiệu của phương tiện dùng để thông báo tình trạng hoạt động của phương tiện, bao gồm:
a) Âm hiệu là tín hiệu âm thanh phát ra từ còi, chuông, kẻng hoặc từ các vật khác;
b) Đèn hiệu là tín hiệu ánh sáng được sử dụng từ lúc mặt trời lặn đến lúc mặt trời mọc hoặc trong trường hợp tầm nhìn bị hạn chế;
c) Dấu hiệu là những vật thể có hình dáng, màu sắc, kích thước được sử dụng trong các trường hợp do Luật này quy định;
d) Cờ hiệu là loại cờ có hình dáng, màu sắc, kích thước được sử dụng trong các trường hợp do Luật này quy định.
- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của âm hiệu, đèn hiệu, dấu hiệu và cờ hiệu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.