Trong trường hợp lập biên bản vi phạm hành chính trễ hạn so với quy định thì có thu hồi biên bản không?
Thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính được quy định như thế nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định:
Lập biên bản vi phạm hành chính
...
2. Thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính:
a) Biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính;
b) Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính;
c) Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan;
d) Trường hợp vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa, thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga;
đ) Trường hợp một vụ việc có nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau, trong đó có hành vi được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập đối với các hành vi trong vụ việc đó trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được đầy đủ kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan.
...
Như vậy thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính được quy định cụ thể như trên.
Tải về mẫu biên bản vi phạm hành chính mới nhất 2023: Tại Đây
Biên bản vi phạm hành chính (Hình từ Internet)
Lập biên bản vi phạm hành chính trễ hạn so với luật định thì có thu hồi biên bản không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:
Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
1. Không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong những trường hợp sau đây:
a) Trường hợp quy định tại Điều 11 của Luật này;
b) Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính;
c) Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 6 hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 3 Điều 63 hoặc khoản 1 Điều 66 của Luật này;
d) Cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt;
đ) Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Điều 62 của Luật này.
...
Theo quy định trên thì trường hợp anh nêu không thuộc trường hợp không ban hành quyết định xử phạt hành chính.
Bên cạnh đó, để ra quyết định xử phạt hành chính thì yêu cầu phải có biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
Ngoài ra, tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và văn hướng dẫn luật cũng không có hướng dẫn về việc thu hồi biên bản vi phạm hành chính.
Theo quan điểm của Ban hỗ trợ thì trường hợp này bên anh vẫn giữ nguyên biên bản vi phạm hành chính đã lập để làm căn cứ ra quyết định xử phạt hành chính.
Về việc lập biên bản chậm hơn thời hạn quy định thì người có trách nhiệm liên quan sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật về việc chưa hoàn thành nhiệm vụ theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP.
Ý kiến trên chỉ mang tính tham khảo, anh nên trao đổi thêm với cơ quan trên để có thêm thông tin về vấn đề này.
Biên bản vi phạm hành chính phải bao gồm các nội dung cơ bản nào?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định:
Lập biên bản vi phạm hành chính
...
4. Biên bản vi phạm hành chính phải bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:
a) Ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản;
b) Họ và tên, chức vụ người lập biên bản;
c) Thông tin về cá nhân, tổ chức vi phạm và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
d) Giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm;
đ) Mô tả cụ thể, đầy đủ vụ việc, hành vi vi phạm;
e) Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính;
g) Lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền);
h) Lời khai của người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại (nếu có); ý kiến của cha mẹ hoặc của người giám hộ trong trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính (nếu có);
i) Quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm, cơ quan của người có thẩm quyền tiếp nhận giải trình; trường hợp cá nhân, tổ chức không yêu cầu giải trình, thì phải ghi rõ ý kiến vào biên bản;
k) Thời gian, địa điểm người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm phải có mặt để giải quyết vụ việc;
l) Họ và tên người nhận, thời gian nhận biên bản trong trường hợp biên bản được giao trực tiếp.
...
Như vậy biên bản vi phạm hành chính phải bao gồm các nội dung cơ bản theo quy định trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.