Trong pháp luật về đất đai, khi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính bằng các hình thức nào? Biện pháp khắc phục hậu quả ra sao?
- Những hành vi nào bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Đất đai 2013?
- Khi vi phạm pháp luật về đất đai sẽ bị xử phạt hành chính bằng các hình thức nào?
- Các biện pháp khắc phục hậu quả khi vi phạm pháp luật về đất đai được quy định như thế nào?
- Các trường hợp áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả được quy định như thế nào?
Những hành vi nào bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Đất đai 2013?
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Luật Đất đai 2013 về những hành vi bị nghiêm cấm, có nội dụng cụ thể như sau:
- Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.
- Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.
- Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.
- Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.
- Nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này.
- Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai.
- Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật.
- Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Khi vi phạm pháp luật về đất đai sẽ bị xử phạt hành chính bằng các hình thức nào?
Về hình thức xử phạt hành chính khi vi phạm pháp luật về đất đai được quy định cụ thể tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Nghị định 91/2019/NĐ-CP như sau:
- Các hình thức xử phạt chính bao gồm:
+ Cảnh cáo;
+ Phạt tiền.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;
+ Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai từ 06 tháng đến 09 tháng hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai từ 09 tháng đến 12 tháng.
Về áp dụng hình thức phạt tiền, căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP cụ thể như sau:
- Đối tượng áp dụng mức phạt tiền thực hiện như sau:
+ Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này áp dụng đối với cá nhân, trừ các trường hợp quy định tại điểm b khoản này; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính;
+ Mức phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, khoản 4 Điều 26, Điều 27, Điều 28, khoản 2 Điều 30, Điều 31 và Điều 37 của Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức.
- Thẩm quyền phạt tiền quy định tại các Điều 38 và 39 của Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân. Thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân đối với chức danh đó.
Hình thức xử phạt hành chính khi vi phạm pháp luật về đất đai
Các biện pháp khắc phục hậu quả khi vi phạm pháp luật về đất đai được quy định như thế nào?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về các biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể như sau:
- Các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này bao gồm:
+ Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm quy định tại Nghị định này;
+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định này;
+ Buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai;
+ Buộc trả lại đất sử dụng không đúng quy định;
+ Buộc chấm dứt hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất;
+ Buộc hoàn trả tiền chuyển nhượng, tiền cho thuê, tiền cho thuê lại đất không đúng quy định của pháp luật trong thời gian sử dụng đất còn lại;
+ Buộc hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai;
+ Buộc hoàn thành việc đầu tư xây dựng theo đúng quy định;
+ Buộc chấm dứt hợp đồng mua, bán, cho thuê tài sản gắn liền với đất không đủ điều kiện quy định;
+ Buộc sử dụng đất đúng theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất;
+ Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của chỉ giới sử dụng đất, mốc địa giới hành chính như trước khi vi phạm;
+ Buộc cung cấp hoặc cung cấp lại thông tin, giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai;
+ Buộc thực hiện đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản đối với trường hợp quy định tại Điều 24 của Nghị định này.
+ Buộc nộp Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định tại Điều 35 của Nghị định này;
+ Hủy bỏ kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đã thực hiện đối với trường hợp sử dụng giấy tờ giả để thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan đến đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Xử lý tài sản tạo lập không hợp pháp quy định tại khoản 2 Điều 23 của Nghị định này;
+ Thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai đối với các trường hợp phải thu hồi đất quy định tại các Điều 15, 18, 19, 22, 26, 29, 30 và 32 của Nghị định này.
Các trường hợp áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về Việc áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp có giao dịch về quyền sử dụng đất như sau:
- Trường hợp vi phạm hành chính xảy ra trước khi chuyển quyền sử dụng đất thì bên chuyển quyền sử dụng đất bị xử phạt vi phạm hành chính và phải thực hiện biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm (nếu khi xử phạt hành vi chuyển quyền buộc bên nhận chuyển quyền phải trả lại đất cho bên chuyển quyền) theo quy định. Bên nhận chuyển quyền sử dụng đất phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả còn lại đối với từng trường hợp vi phạm theo quy định;
- Trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất mà không đăng ký biến động đất đai thì xử phạt vi phạm hành chính đối với cả hai bên chuyển đổi quyền sử dụng đất. Trường hợp chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà không đăng ký biến động đất đai thì xử phạt vi phạm hành chính đối với bên nhận chuyển quyền sử dụng đất. Trường hợp cho thuê, thế chấp bằng quyền sử dụng đất mà không đăng ký biến động đất đai thì xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng đất đã cho thuê, đã thế chấp. Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm này, bên chuyển quyền và bên nhận chuyển quyền còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng trường hợp cụ thể theo quy định tại Nghị định này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.