Trong hợp đồng thương mại quốc tế khi các bên thỏa thuận điều kiện CIF thì người bán phải chịu chi phí bảo hiểm hàng hóa với giá trị bao nhiêu?

Tôi có thắc mắc muốn được giải đáp như sau trong hợp đồng thương mại quốc tế khi các bên thỏa thuận về điều kiện CIF theo Incoterms 2020 thì người bán phải chịu chi phí bảo hiểm hàng hóa với giá trị bao nhiêu? Câu hỏi của anh B.L.Q đến từ TP.HCM

Điều kiện CIF theo Incoterms 2020 được quy định như thế nào?

Incoterms là viết tắt của từ International Commercial Terms trong tiếng Anh; thường được dịch sang tiếng Việt là điều kiện thương mại quốc tế hoặc tập quán thương mại quốc tế.

Theo đó, Incoterms 2020 được hiểu là điều kiện thương mại quốc tế (phiên bản năm 2020).

CIF là viết tắt của từ Cost, Insurance and Freight.

Điều kiện CIF được hiểu là điều kiện tiền hàng, bảo hiểm, tiền cước đã trả và áp dụng cho vận tải biển và vận tải thủy nội địa.

Đối với điều kiện CIF thì rủi ro về mất mát hay hư hỏng hàng hóa sẽ được chuyển giao từ bên bán sang bên mua khi hàng được giao lên tàu.

Đồng thời, người bán phải ký hợp đồng và trả các chi phí, phí bảo hiểm và cước phí cần thiết để đưa hàng hóa tới cảng đến quy định.

Theo Incoterms 2020 trong điều kiện CIF, người bán thu xếp và chịu chi phí bảo hiểm hàng hóa tối thiểu theo Điều kiện C (tùy thỏa thuận có thể cao hơn).

Lưu ý số 1: điều kiện CIF có hai cảng quan trọng:

(i) Cảng đi nơi hàng hóa được giao lên trên tàu chuyên chở và

(ii) Cảng đích.

Ngoài ra, người bán sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc ký kết hợp đồng vận tải để đưa hàng hóa từ cảng đi đến cảng đích.

Lưu ý số 2: điều kiện CIF yêu cầu người bán phải thông quan xuất khẩu cho hàng hóa, nếu cần. Tuy nhiên, người bán không có nghĩa vụ phải:

- Thông quan nhập khẩu hoặc thông quan khi quá cảnh tại nước thứ 3 mà hàng hóa phải đi qua;

- Không phải trả thuế nhập khẩu hoặc chi phí làm thủ tục thông quan nhập khẩu.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 5 Luật Thương mại 2005 về áp dụng điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán thương mại quốc tế:

Theo đó:

- Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế hoặc có quy định khác với quy định của Luật Thương mại 2005 thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

- Các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Điều kiện CIF theo Incoterms 2020 được quy định như thế nào?

Điều kiện CIF theo Incoterms 2020 được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)

Trong hợp đồng thương mại quốc tế khi các bên thỏa thuận về điều kiện CIF thì người bán phải chịu chi phí bảo hiểm hàng hóa với giá trị bao nhiêu?

Như đã phân tích ở trên, theo Incoterms 2020 trong điều kiện CIF, người bán có nghĩa vụ ký kết hợp đồng bảo hiểm cho những rủi ro của người mua về mất mát hoặc hư hỏng của hàng hóa trong quá trình vận tải tới địa điểm giao hàng.

Người bán thu xếp và chịu chi phí bảo hiểm hàng hóa tối thiểu theo Điều kiện C (tùy thỏa thuận có thể cao hơn).

Giá trị bảo hiểm tối thiểu phải bằng giá hàng hóa quy định trong hợp đồng cộng 10% (tức là 110%).

Lưu ý: Bảo hiểm phải có hiệu lực từ địa điểm giao hàng quy định ở mục A2 và kết thúc ít nhất tại cảng đến quy định.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 303 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 Hợp đồng bảo hiểm hàng hải có thể mở rộng theo những điều kiện cụ thể hoặc theo tập quán thương mại để bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm đối với những tổn thất xảy ra trên đường thủy nội địa, đường bộ, đường sắt hoặc đường hàng không thuộc cùng một hành trình đường biển.

Hợp đồng bảo hiểm hàng hải phải được giao kết bằng văn bản.

Trong đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 304 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 thì đối tượng bảo hiểm hàng hải bao gồm:

- Tàu biển, tàu biển đang đóng, hàng hóa hay các tài sản khác bị đe dọa bởi các rủi ro hàng hải;

- Giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, tiền thuê tàu, tiền thuê mua tàu, tiền lãi ước tính của hàng hóa, các khoản hoa hồng, các khoản tiền cho vay, bảo đảm tiền ứng trước, chi phí bị nguy hiểm khi tàu biển, tàu biển đang đóng, hàng hóa hay các tài sản khác bị đe dọa bởi các rủi ro hàng hải;

- Trách nhiệm dân sự phát sinh do các rủi ro hàng hải.

Quyền vận tải biển nội địa được quy định như thế nào?

Đối chiếu với quy định tại Điều 8 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 thì quyền vận tải biển nội địa được quy định cụ thể như sau:

(1) Hàng hóa, hành khách và hành lý vận chuyển nội địa bằng đường biển được chuyên chở bằng tàu biển Việt Nam.

Tổ chức, cá nhân tham gia vận chuyển nội địa bằng đường biển phải đáp ứng điều kiện do Chính phủ quy định.

(2) Việc vận chuyển nội địa không thuộc quy định tại (1) được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

- Vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng hoặc các loại hàng hóa khác bằng tàu biển chuyên dùng; giải tỏa hàng hóa, hành khách và hành lý bị ách tắc tại cảng khi tàu biển Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 không có đủ khả năng vận chuyển;

- Vận chuyển hành khách và hành lý từ tàu khách du lịch vào đất liền và ngược lại bằng phương tiện trung chuyển của tàu khách đó;

- Để phòng chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh hoặc cứu trợ nhân đạo khẩn cấp.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

4,230 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào