Trình tự, thủ tục cấp lại sổ đỏ bị mất? Sổ đỏ bị mất có làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất được không?
Trình tự, thủ tục cấp lại sổ đỏ bị mất theo Nghị định 101?
Theo Điều 39 Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì trình tự, thủ tục cấp lại sổ đỏ bị mất được quy định như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ cấp lại sổ đỏ bị mất
Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP đến một trong những cơ quan tiếp nhận hồ sơ sau:
- Bộ phận Một cửa theo quy định của UBND cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã;
- Văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp hồ sơ cấp lại sổ đỏ bị mất đến Bộ phận Một cửa thì chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai.
Bước 2: Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc:
- Kiểm tra thông tin về sổ đỏ đã cấp mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất khai báo bị mất trong hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;
- Trường hợp phát hiện thửa đất, tài sản gắn liền với đất được cấp sổ đỏ đã được chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật thì thông báo, trả lại hồ sơ cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất;
- Nếu không thuộc trường hợp nêu trên, văn phòng đăng ký đất đai chuyển thông tin đến UBND cấp xã nơi có đất; thực hiện đăng tin 03 lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương trong thời gian 15 ngày về việc mất sổ đỏ đã cấp đối với tổ chức, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, chi phí đăng tin do người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất chi trả;
- Thực hiện việc hủy sổ đỏ đã cấp; cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai sau khi UBND cấp xã đã thực hiện niêm yết công khai và lập biên bản niêm yết về việc mất sổ đỏ; cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người được cấp.
Trường hợp sổ đỏ đã cấp chưa sử dụng bản đồ địa chính hoặc trích đo bản đồ địa chính thửa đất thì thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 37 Nghị định 101/2024/NĐ-CP.
Bước 3: UBND cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
- Niêm yết công khai về việc mất sổ đỏ đã cấp tại trụ sở UBND cấp xã và điểm dân cư nơi có đất trong thời gian 15 ngày; đồng thời tiếp nhận phản ánh trong thời gian niêm yết công khai về việc mất sổ đỏ đã cấp;
- Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian niêm yết, UBND cấp xã có trách nhiệm lập biên bản kết thúc niêm yết và gửi đến Văn phòng đăng ký đất đai.
Lưu ý rằng trong trường hợp Trang bổ sung của sổ đỏ đã cấp trước ngày 01/8/2024 bị mất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP và bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra thông tin của Trang bổ sung trong hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; thực hiện cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất với các thông tin cập nhật của Giấy chứng nhận đã cấp và thông tin trên Trang bổ sung.
Trình tự, thủ tục cấp lại sổ đỏ bị mất? Sổ đỏ bị mất có làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất được không? (Hình từ Internet)
Sổ đỏ bị mất có làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất được không?
Theo khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024 thì người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 124 và điểm a khoản 4 Điều 127 Luật đất đai 2024;
- Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;
- Trong thời hạn sử dụng đất;
- Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trong trường hợp sổ đỏ bị mất thì người sử dụng đất sẽ không đủ điều kiện thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Khi đó, người sử dụng đất cần phải làm thủ tục cấp lại sổ đỏ bị mất thì mới thực hiện thủ tục chuyển nhượng được.
Ai là người sử dụng đất theo Luật Đất đai 2024?
Theo Điều 4 Luật Đất đai 2024 quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; nhận quyền sử dụng đất; thuê lại đất theo quy định Luật Đất đai 2024, bao gồm:
(1) Tổ chức trong nước gồm:
- Cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, đơn vị vũ trang nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Đầu tư, trừ trường hợp quy định tại (7) (sau đây gọi là tổ chức kinh tế);
(2) Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc;
(3) Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (sau đây gọi là cá nhân);
(4) Cộng đồng dân cư;
(5) Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;
(6) Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài;
(7) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Xem thêm:
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.