Trình tự thẩm tra an toàn giao thông đường bộ được pháp luật quy định như thế nào? Tổ chức nào có quyền thực hiện việc thẩm tra?
Trình tự thẩm tra an toàn giao thông đường bộ có những sự khác biệt nhất định đối với các dự án xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo và trong quá trình khai thác.
Trình tự thẩm tra an toàn giao thông đường bộ đối với các dự án xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo được quy định như thế nào?
Trình tự thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông đường bộ đối với các dự án xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo được hướng dẫn tại Điều 56 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT, cụ thể:
Bước 1: Tư vấn thẩm tra
- Thu thập hồ sơ, tài liệu cần thiết; cập nhật thông tin về tình hình tai nạn đã xảy ra nếu thực hiện thẩm tra an toàn giao thông dự án nâng cấp, cải tạo;
- Nghiên cứu tài liệu đã thu thập được để phát hiện các vấn đề tiềm ẩn mất an toàn giao thông; sơ bộ giải pháp xử lý cho từng vấn đề; dự kiến danh mục các vấn đề tiềm ẩn mất an toàn, các vấn đề cần chú trọng xem xét khi đi kiểm tra hiện trường;
- Kiểm tra hiện trường để xác định, đối chiếu, phát hiện các vấn đề tiềm ẩn mất an toàn (có xét đến sự ảnh hưởng thời tiết, điều kiện dân cư, tập quán). Khi thẩm tra an toàn giao thông giai đoạn trước khi đưa đường vào khai thác, phải kiểm tra hiện trường cả ban ngày và ban đêm;
- Tham vấn ý kiến của người dân khu vực đoạn tuyến (nếu có) về vấn đề tai nạn, nhu cầu tham gia giao thông;
- Lập báo cáo thẩm tra an toàn giao thông đường bộ nêu rõ các vấn đề tiềm ẩn mất an toàn giao thông và đề xuất biện pháp khắc phục theo nội dung quy định tại Điều 62 Thông tư này và trình chủ đầu tư hoặc nhà đầu tư.
Bước 2: Xem xét báo cáo và lập tờ trình
Chủ đầu tư hoặc nhà đầu tư xem xét báo cáo thẩm tra an toàn giao thông đường bộ của đơn vị thẩm tra an toàn giao thông, lập tờ trình trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo thẩm tra an toàn giao thông.
Bước 3: Tổ chức thẩm định
Cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định Báo cáo thẩm tra an toàn giao thông và có văn bản phê duyệt kết quả báo cáo thẩm tra an toàn giao thông.
Bước 4: Nhận kết quả thẩm định
Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư có trách nhiệm tiếp thu kết quả thẩm định an toàn giao thông để phê duyệt bổ sung vào dự án.
Trình tự thẩm tra an toàn giao thông đường bộ
Trình tự thẩm tra an toàn giao thông đường bộ trong quá trình khai thác được quy định như thế nào?
Trình tự thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông đường bộ trong quá trình khai thác được hướng dẫn tại Điều 57 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT, như sau:
Bước 1: Tư vấn thẩm tra
- Thu thập hồ sơ, tài liệu cần thiết; thu thập các thông tin về tình hình tai nạn giao thông, tình hình mất an toàn giao thông đã xảy ra trên tuyến, đoạn tuyến thẩm tra;
- Nghiên cứu tài liệu đã thu thập được để phát hiện các vấn đề tiềm ẩn mất an toàn giao thông; sơ bộ giải pháp xử lý cho từng vấn đề; dự kiến danh mục các vấn đề tiềm ẩn mất an toàn, các vấn đề cần chú trọng xem xét khi đi kiểm tra hiện trường; dự kiến các bất cập về an toàn giao thông tại các khu vực nút giao;
- Kiểm tra hiện trường để xác định, đối chiếu, phát hiện các vấn đề tiềm ẩn mất an toàn (có xét đến sự ảnh hưởng thời tiết, điều kiện dân cư, tập quán). Kiểm tra hiện trường phải thực hiện cả ban ngày lẫn ban đêm và khi thời tiết bất lợi (mưa, sương mù); việc kiểm tra phải có sự tham gia của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đường bộ tiếp nhận quản lý tuyến đường;
- Làm việc với cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đường bộ, Ban An toàn giao thông địa phương và cảnh sát giao thông chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến để trao đổi về các vấn đề tiềm ẩn mất an toàn giao thông; đề xuất kiến nghị nâng cao an toàn đối với tuyến, đoạn tuyến đang thẩm tra;
- Lập báo cáo thẩm tra an toàn giao thông nêu rõ các vấn đề tiềm ẩn mất an toàn giao thông và đề xuất biện pháp khắc phục và trình cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đường bộ, nhà đầu tư.
Bước 2: Xem xét báo cáo và lập tờ trình
Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đường bộ, nhà đầu tư xem xét báo cáo thẩm tra an toàn giao thông, lập tờ trình trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo thẩm tra an toàn giao thông.
Bước 3: Tổ chức thẩm định
Cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định Báo cáo thẩm tra an toàn giao thông, có văn bản phê duyệt kết quả báo cáo thẩm tra an toàn giao thông.
Bước 4: Tiếp thu kết quả thẩm định
Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đường bộ có trách nhiệm tiếp thu kết quả thẩm định an toàn giao thông và thực hiện theo quy định hiện hành.
Tổ chức nào có quyền thực hiện việc thẩm tra an toàn giao thông đường bộ?
Việc thẩm tra an toàn giao thông do một tổ chức có đủ năng lực được quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 11/2010/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 64/2016/NĐ-CP, cụ thể:
- Đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A và nhóm B, phải có ít nhất 10 thẩm tra viên; trong đó, tối thiểu có 04 kỹ sư công trình đường bộ, 01 kỹ sư vận tải đường bộ và tối thiểu có 01 người đủ điều kiện làm Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông;
- Đối với dự án nhóm C và công trình đường bộ đang khai thác, phải có ít nhất 05 thẩm tra viên; trong đó, tối thiểu có 01 kỹ sư công trình đường bộ, 01 kỹ sư vận tải đường bộ và tối thiểu có 01 người đủ điều kiện làm Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.