Trình tự giải quyết tố cáo có nội dung rõ ràng, có cơ sở để xử lý ngay được thực hiện như thế nào? Người tố cáo được áp dụng các biện pháp bảo vệ khi nào?
Trình tự giải quyết tố cáo có nội dung rõ ràng, có cơ sở để xử lý ngay được thực hiện như thế nào?
Căn cứ vào Điều 43 Luật Tố cáo 2018 quy định như sau:
Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay
1. Đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay thì việc giải quyết tố cáo được thực hiện theo trình tự sau đây:
a) Người có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo;
b) Trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực mà mình quản lý, người giải quyết tố cáo tiến hành ngay việc xác minh nội dung tố cáo, áp dụng biện pháp cần thiết để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và kịp thời lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật; việc xác minh, kiểm tra thông tin về người tố cáo được thực hiện trong trường hợp người giải quyết tố cáo thấy cần thiết cho quá trình xử lý hành vi bị tố cáo;
c) Người giải quyết tố cáo ra quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Hồ sơ giải quyết vụ việc tố cáo được lập chung cùng hồ sơ xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, Điều 19 Nghị định 31/2019/NĐ-CP hướng dẫn về trình tự giải quyết tố cáo có nội dung rõ ràng, có cơ sở để xử lý ngay như sau:
- Đối với tố cáo có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay thì người giải quyết tố cáo thụ lý tố cáo; tự mình tiến hành xác minh nội dung tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo.
Trình tự giải quyết tố cáo có nội dung rõ ràng, có cơ sở để xử lý ngay như thế nào? (Hình từ Internet)
Người tố cáo được áp dụng các biện pháp bảo vệ khi nào?
Căn cứ vào Điều 47 Luật Tố cáo 2018 quy định như sau:
Người được bảo vệ, phạm vi bảo vệ
1. Bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ).
2. Người tố cáo được bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ.
3. Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người quy định tại khoản 1 Điều này đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.
Như vậy, khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người quy định tại khoản 1 Điều này đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.
Người tố cáo có quyền được từ chối áp dụng các biện pháp bảo vệ không?
Căn cứ vào Điều 48 Luật Tố cáo 2018 quy định về quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ như sau:
Quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ
1. Người được bảo vệ có các quyền sau đây:
a) Được biết về các biện pháp bảo vệ;
b) Được giải thích về quyền và nghĩa vụ khi được áp dụng biện pháp bảo vệ;
c) Đề nghị thay đổi, bổ sung, chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ;
d) Từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ;
đ) Được bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người tố cáo đã đề nghị người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ mà không áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc áp dụng không kịp thời, không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, tinh thần cho người được bảo vệ.
2. Người được bảo vệ có các nghĩa vụ sau đây:
a) Chấp hành nghiêm chỉnh yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ;
b) Giữ bí mật thông tin về việc được bảo vệ;
c) Thông báo kịp thời đến cơ quan áp dụng biện pháp bảo vệ về những vấn đề phát sinh trong thời gian được bảo vệ.
Như vậy, người tố cáo có quyền từ chối áp dụng các biện pháp bảo vệ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.