Trình tự các bước xử phạt vi phạm hành chính theo quy định mới nhất hiện nay được thực hiện như thế nào?
- Trình tự các bước xử phạt vi phạm hành chính theo quy định mới nhất hiện nay?
- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính cố tình trốn tránh, trì hoãn việc thi hành quyết định thì thời hiệu thi hành quyết định được tính như thế nào?
- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính từ bao nhiêu tiền trở lên mới được nộp tiền phạt nhiều lần?
Trình tự các bước xử phạt vi phạm hành chính theo quy định mới nhất hiện nay?
Về vấn đề của anh, trình tự xử phạt vi phạm hành chính thì hiện không có quy định hướng dẫn chung nhất mà sẽ nằm ở các Điều Luật khác nhau. Anh có thể tham Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định 118/2021/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan khác.
Trình tự các bước xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành theo trình tự sau:
Bước 1: Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính đang diễn ra người có thẩm quyền đang thi hành công vụ buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính (Điều 55 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012);
Bước 2: Lập biên bản vi phạm hành chính. Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản (Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012)
Bước 3: Tiến hành xác minh tình tiết vụ việc vi phạm. Trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết vụ việc vi phạm hành chính (Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012);
Bước 4: Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Điều 67, 68 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012);
Bước 5: Gửi, chuyển, công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012);
Bước 6: Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012);
Bước 7: Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt (Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).
Xử phạt vi phạm hành chính (Hình từ Internet)
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính cố tình trốn tránh, trì hoãn việc thi hành quyết định thì thời hiệu thi hành quyết định được tính như thế nào?
Căn cứ theo Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi khoản 36 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 như sau:
Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
2. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.
Theo đó, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính cố tình trốn tránh, trì hoãn việc thi hành quyết định thì thời hiệu thi hành quyết định được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính từ bao nhiêu tiền trở lên mới được nộp tiền phạt nhiều lần?
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính từ bao nhiêu tiền trở lên mới được nộp tiền phạt nhiều lần, thì căn cứ theo Điều 79 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi khoản 40 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 như sau:
Nộp tiền phạt nhiều lần
1. Việc nộp tiền phạt nhiều lần được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân và từ 150.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức;
b) Đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần. Đơn đề nghị của cá nhân phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế. Đơn đề nghị của tổ chức phải được Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế.
2. Thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 06 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực; số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 03 lần.
Mức nộp phạt lần thứ nhất tối thiểu là 40% tổng số tiền phạt.
3. Người đã ra quyết định phạt tiền có quyền quyết định việc nộp tiền phạt nhiều lần. Quyết định về việc nộp tiền phạt nhiều lần phải bằng văn bản.
Theo đó, cá nhân, tổ chức bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân và từ 150.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức và phải đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần thì mới được nộp tiền phạt nhiều lần.
Đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần của cá nhân phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế.
Đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần của tổ chức phải được Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.