Trí tuệ nhân tạo là gì? Lợi ích của trí tuệ nhân tạo? Chương trình, đề án trọng điểm về trí tuệ nhân tạo đến năm 2030?
- Trí tuệ nhân tạo là gì? Trí tuệ nhân tạo có lợi ích gì?
- Các chương trình, đề án trọng điểm của Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 là chương trình nào?
- Trách nhiệm tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 thế nào?
Trí tuệ nhân tạo là gì? Trí tuệ nhân tạo có lợi ích gì?
Trí tuệ nhân tạo là gì và trí tuệ nhân tạo có lợi ích gì thì tại Phần I Quyết định 127/QĐ-TTg năm 2021 về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành có nêu rõ như sau:
Điều 1. Ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 (sau đây viết tắt là Chiến lược) với các nội dung sau:
I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO
1. Trí tuệ nhân tạo (TTNT) là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.
2. Kế thừa và phát huy những thành tựu mới nhất của nhân loại, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT gắn với các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, phát triển khoa học và công nghệ; phát huy tiềm năng của doanh nghiệp, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực; từng bước nhận chuyển giao, làm chủ, tiến tới sáng tạo công nghệ.
3. Tập trung nguồn lực để tạo ra và phát triển các sản phẩm TTNT, dịch vụ TTNT quan trọng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh; đầu tư có trọng điểm ứng dụng TTNT trong một số lĩnh vực liên quan tới quốc phòng an ninh, quản lý tài nguyên, môi trường và dịch vụ cho người dân; phát triển mạnh các doanh nghiệp ứng dụng TTNT, doanh nghiệp khởi nghiệp về TTNT.
Theo đó, trí tuệ nhân tạo (TTNT) là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.
Trí tuệ nhân tạo là gì? Lợi ích của trí tuệ nhân tạo? Chương trình, đề án trọng điểm về trí tuệ nhân tạo đến năm 2030? (Hình từ Internet)
Các chương trình, đề án trọng điểm của Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 là chương trình nào?
Các chương trình, đề án trọng điểm của chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ đến năm 2030 được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 127/QĐ-TTg năm 2021 sau đây:
TT | Tên chương trình, đề án | Đơn vị chủ trì | Đơn vị phối hợp | Thời gian thực hiện |
1 | Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về TTNT đến năm 2030 | Bộ Giáo dục và Đào tạo | Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội | 2020 - 2030 |
2 | Đề án xây dựng 03 Trung tâm cấp quốc gia về lưu trữ dữ liệu và tính toán hiệu năng cao | Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam | Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Khoa học và Công nghệ | 2020 - 2030 |
4 | Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia liên quan đến TTNT | Bộ Khoa học và Công nghệ | Các bộ, ngành liên quan | 2020 - 2030 |
5 | Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp TTNT gắn với thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia | Bộ Thông tin và Truyền thông | Bộ Khoa học và Công nghệ | 2020 - 2030 |
6 | Đề án xây dựng các nhóm dữ liệu mở chuyên ngành phục vụ nghiên cứu, phát triển TTNT ở Việt Nam | Bộ Khoa học và Công nghệ | Các bộ, ngành liên quan | 2020 - 2030 |
Trách nhiệm tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 thế nào?
Trách nhiệm tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 được quy định tại Điều 2 Quyết định 127/QĐ-TTg năm 2021, cụ thể như sau:
(1) Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm: Làm đầu mối tổng hợp tình hình thực hiện Chiến lược; chủ trì tổ chức thực hiện Chiến lược; định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết việc thực hiện Chiến lược đến năm 2025 và xác định các nhiệm vụ, đề án ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo đến năm 2030.
(2) Các bộ, ngành, cơ quan liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy định pháp luật hiện hành.
(3) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm triển khai thực hiện Chiến lược, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy nhanh ứng dụng các giải pháp TTNT trong quản lý đô thị, quản lý xã hội và hành chính công.
(4) Các viện nghiên cứu, trường đại học căn cứ vào nội dung và giải pháp của Chiến lược, xây dựng các nội dung triển khai, đề xuất giải pháp với các bộ, ngành, địa phương.
(5) Các bộ, ngành, địa phương định kỳ hàng năm gửi báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ tình hình triển khai Chiến lược trước ngày 15 tháng 12 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Lưu ý: Nguồn vốn thực hiện Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030:
- Nguồn vốn để thực hiện Chiến lược bao gồm nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp, tài trợ quốc tế và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
- Đối với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, thực hiện theo phân cấp nhà nước hiện hành. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Chiến lược để xây dựng dự toán kinh phí cụ thể để triển khai thực hiện theo quy định.
- Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực tài chính từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thực hiện Chiến lược theo quy định pháp luật; lồng ghép các nhiệm vụ giao cho các bộ, ngành, địa phương trong các chương trình mục tiêu quốc gia khác có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.