Trẻ em dưới 14 tuổi đánh đập, ngược đãi vật nuôi của người khác thì có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Cha mẹ có phải bồi thường thiệt hại không?
- Trẻ em dưới 14 tuổi đánh đập, ngược đãi vật nuôi của người khác thì có bị xử phạt vi phạm hành chính không?
- Trẻ em dưới 14 tuổi đánh đập, ngược đãi vật nuôi của người khác thì cha mẹ có phải bồi thường thiệt hại không?
- Việc đánh đập, ngược đãi vật nuôi của người khác do nhiều trẻ em dưới 14 tuổi cùng gây ra thì bồi thường thiệt hại như thế nào?
Trẻ em dưới 14 tuổi đánh đập, ngược đãi vật nuôi của người khác thì có bị xử phạt vi phạm hành chính không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.
...
Theo đó thì người có hành vi đánh đập, ngược đãi vật nuôi của người khác thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Và căn cứ theo Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định như sau:
Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính
1. Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.
Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác; trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an ninh thì người xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm quyền xử lý;
b) Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra;
c) Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
2. Đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính là cá nhân được quy định tại các điều 90, 92, 94 và 96 của Luật này.
Các biện pháp xử lý hành chính không áp dụng đối với người nước ngoài.
Như vậy, việc xử lý vi phạm hành chính chỉ áp dụng với người từ đủ 14 trở lên và còn tùy theo mức độ sẽ có những hình thức xử phạt phù hợp.
Theo đó thì trẻ em dưới 14 tuổi đánh đập, ngược đãi vật nuôi của người khác sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính.
Đánh đập, ngược đãi vật nuôi (Hình từ Internet)
Trẻ em dưới 14 tuổi đánh đập, ngược đãi vật nuôi của người khác thì cha mẹ có phải bồi thường thiệt hại không?
Căn cứ theo Điều 74 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
Bồi thường thiệt hại do con gây ra
Cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra theo quy định của Bộ luật dân sự.
Và căn cứ theo khoản 2 Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân
1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Theo đó, trẻ em dưới 14 tuổi đánh đập, ngược đãi vật nuôi của người khác gây ra thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.
Việc đánh đập, ngược đãi vật nuôi của người khác do nhiều trẻ em dưới 14 tuổi cùng gây ra thì bồi thường thiệt hại như thế nào?
Căn cứ theo Điều 587 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra
Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.
Liên kết với nội dung được phân tích ở trên thì việc đánh đập, ngược đãi vật nuôi của người khác do nhiều trẻ em dưới 14 tuổi cùng gây ra thì cha mẹ của các em này phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại.
Trách nhiệm bồi thường của từng gia đình được xác định tương ứng với mức độ lỗi của em gây ra; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.