Trẻ em có được xem phim dành cho người từ 18 tuổi trở lên trong rạp chiếu phim khi đi cùng cha mẹ hay không?
- Trẻ em có được xem phim dành cho người từ 18 tuổi trở lên trong rạp chiếu phim khi đi cùng cha mẹ hay không?
- Cha mẹ cần lưu ý các cách nhận biết phim dành cho người 18 từ tuổi trở lên khi đi xem phim chiếu rạp cùng con là gì?
- Cho trẻ em vào rạp chiếu phim xem phim chỉ dành cho người từ 18 tuổi trở lên thì bị xử phạt vi phạm hành chính cao nhất bao nhiêu tiền?
Trẻ em có được xem phim dành cho người từ 18 tuổi trở lên trong rạp chiếu phim khi đi cùng cha mẹ hay không?
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 Luật Điện ảnh 2022 về phân loại phim như sau:
Phân loại phim
1. Phim được phân loại theo nội dung để phổ biến phù hợp với độ tuổi người xem hoặc không được phép phổ biến như sau:
a) Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi;
b) Loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên;
c) Loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên;
d) Loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên;
đ) Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ;
e) Loại C: Phim không được phép phổ biến.
2. Tiêu chí phân loại phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.
Theo đó, phim sẽ được phân loại theo nội dung để phổ biến với người xem theo đúng độ tuổi như sau:
- Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi;
- Loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên;
- Loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên;
- Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ;
- Loại C: Phim không được phép phổ biến.
Và theo quy định tại Điều 1 Luật Trẻ em 2016 như sau:
Trẻ em
Trẻ em là người dưới 16 tuổi.
Như vậy, theo quy định thì phim loại T18 (18+) là phim chỉ được phổ biến đến người xem là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Do đó, trẻ em tuyệt đối không được phép xem phim dành cho người từ 18 tuổi trở lên trong rạp chiếu phim ngay cả khi đi cùng cha mẹ. Ngoài ra, trẻ em cũng không được phép xem phim loại Loại T16 (16+).
Tuy nhiên, trẻ em có thể xem phim loại K khi đi cùng với cha mẹ hoặc người giám hộ. Hoặc có thể xem các loại phim khác như:
- Loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên;
- Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi.
Trẻ em có được xem phim dành cho người từ 18 tuổi trở lên trong rạp chiếu phim khi đi cùng cha mẹ hay không? (Hình từ Internet)
Cha mẹ cần lưu ý các cách nhận biết phim dành cho người 18 từ tuổi trở lên khi đi xem phim chiếu rạp cùng con là gì?
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL quy định về việc thực hiện hiển thị mức phân loại phim và cảnh báo thì cha mẹ có thể nhận biết phim chỉ dành cho người từ 18 tuổi trở lên mới có thể xem trước khi đi xem phim chiếu rạp cùng con thông qua hiển thị mức phân loại phim T18 (18+) bằng các hình thức: trên màn hình chiếu phim, website, ứng dụng bán vé trực tuyến, quầy vé trực tiếp hoặc các hình thức khác.
Ngoài ra, phim sẽ được hiển thị nội dung cảnh báo bằng chữ viết hoặc lời nói với nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL trước khi bắt đầu phổ biến phim để người xem nhận biết chỉ người từ 18 tuổi trở lên mới có thể xem. Vị trí hiển thị cảnh báo ngay sát phía dưới biểu tượng mức phân loại phim.
Cho trẻ em vào rạp chiếu phim xem phim chỉ dành cho người từ 18 tuổi trở lên thì bị xử phạt vi phạm hành chính cao nhất bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 10 Nghị định 38/2021/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP) về xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định về phổ biến phim như sau:
Vi phạm quy định về phổ biến phim
...
5. Phạt tiền đối với một trong các hành vi vi phạm về phổ biến phim trong rạp chiếu phim của cơ sở điện ảnh như sau:
a) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện kết nối dữ liệu, chế độ báo cáo tình hình hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam, khung giờ chiếu phim Việt Nam; thời lượng và khung giờ chiếu phim cho trẻ em theo quy định;
c) Từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm người xem phim đúng độ tuổi theo phân loại phim;
d) Từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm về quy chuẩn kỹ thuật về rạp chiếu phim theo quy định.
...
Theo đó, khi phát hiện hành vi vi phạm cho người không đúng độ tuổi vào rạp chiếu phim xem phim chỉ dành cho người từ 18 tuổi trở lên mới có thể xem sẽ bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.
Như vậy, rạp chiếu phim có thể bị phạt tiền cao nhất lên đến 80.000.000 đồng khi có hành vi cho trẻ em vào rạp chiếu phim xem phim chỉ dành cho người từ 18 tuổi trở lên.
Và theo Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì các tình tiết tăng nặng khi xem xét quyết định phạt tiền đối với rạp chiếu phim bao gồm:
- Vi phạm hành chính có tổ chức;
- Vi phạm hành chính nhiều lần; tái phạm;
- Xúi giục, lôi kéo, sử dụng người chưa thành niên vi phạm; ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần thực hiện hành vi vi phạm hành chính;
- Sử dụng người biết rõ là đang bị tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi để vi phạm hành chính;
- Lăng mạ, phỉ báng người đang thi hành công vụ; vi phạm hành chính có tính chất côn đồ;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm hành chính;
- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để vi phạm hành chính;
- Vi phạm trong thời gian đang chấp hành hình phạt của bản án hình sự hoặc đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính;
- Tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi đó;
- Sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm hành chính;
- Vi phạm hành chính có quy mô lớn, số lượng hoặc trị giá hàng hóa lớn;
- Vi phạm hành chính đối với nhiều người, trẻ em, người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.