Tranh chấp lao động và tranh chấp liên quan đến lao động mà công đoàn tham gia giải quyết gồm tranh chấp nào?
- Tranh chấp lao động và tranh chấp liên quan đến lao động mà công đoàn tham gia giải quyết gồm tranh chấp nào?
- Công đoàn chỉ được đại diện cho người lao động khởi kiện tranh chấp lao động tại Tòa án khi nào?
- Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án với tư cách bị đơn trong vụ án lao động nào?
Tranh chấp lao động và tranh chấp liên quan đến lao động mà công đoàn tham gia giải quyết gồm tranh chấp nào?
Căn cứ theo quy định tại Mục 1 Phần I Hướng dẫn 92/HD-TLĐ năm 2023 thì những tranh chấp về lao động và tranh chấp liên quan đến lao động mà công đoàn tham gia giải quyết gồm:
- Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động;
- Tranh chấp lao động tập thể về quyền theo quy định của pháp luật lao động;
- Tranh chấp về kinh phí công đoàn;
- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do đình công bất hợp pháp;
- Các tranh chấp khác về lao động, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Yêu cầu về lao động mà công đoàn tham gia giải quyết gồm:
- Yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể vô hiệu;
- Yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
Tranh chấp lao động và tranh chấp liên quan đến lao động mà công đoàn tham gia giải quyết gồm tranh chấp nào? (Hình từ Internet)
Công đoàn chỉ được đại diện cho người lao động khởi kiện tranh chấp lao động tại Tòa án khi nào?
Căn cứ vào Điều 10 Luật Công đoàn 2012 có quy định như sau:
Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động
1. Hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động.
2. Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể.
3. Tham gia với đơn vị sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện thang, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động.
4. Đối thoại với đơn vị sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động.
5. Tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật cho người lao động.
6. Tham gia với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động.
7. Kiến nghị với tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động hoặc của người lao động bị xâm phạm.
8. Đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm và được người lao động uỷ quyền.
9. Đại diện cho tập thể người lao động tham gia tố tụng trong vụ án lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động và người lao động.
10. Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.
Chính phủ quy định chi tiết Điều này sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Như vậy, Công đoàn chỉ được đại diện cho người lao động khởi kiện tranh chấp lao động tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm và được người lao động ủy quyền.
Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án với tư cách bị đơn trong vụ án lao động nào?
Căn cứ tiết 1.1 tiểu mục 1 Mục 3 Phần I Hướng dẫn 92/HD-TLĐ năm 2023 có quy định như sau:
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG CẦN LƯU Ý KHI CÔNG ĐOÀN KHỞI KIỆN VÀ THAM GIA TỐ TỤNG DÂN SỰ GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN LAO ĐỘNG, VIỆC LAO ĐỘNG TẠI TÒA ÁN
...
III. TƯ CÁCH CỦA CÔNG ĐOÀN KHI THAM GIA TỐ TỤNG DÂN SỰ GIẢI QUYẾT VỤ ÁN LAO ĐỘNG, VIỆC LAO ĐỘNG TẠI TÒA ÁN
1. Đương sự
Công đoàn có thể tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án với tư cách đương sự trong vụ án lao động (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) và đương sự trong việc lao động (người yêu cầu giải quyết việc lao động và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan). Khi tham gia với tư cách là đương sự trong vụ án lao động, việc lao động, Công đoàn có quyền, nghĩa vụ được quy định tại các Điều 70, 71, 72, 73 BLTTDS.
1.1. Đương sự trong vụ án lao động
- Nguyên đơn: Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết TCLĐ tại Tòa án với tư cách là nguyên đơn trong những vụ án lao động mà Công đoàn có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật.
- Bị đơn: Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết TCLĐ tại Tòa án với tư cách bị đơn trong vụ án mà NSDLĐ khởi kiện Công đoàn (ví dụ: NSDLĐ kiện CĐCS tổ chức, lãnh đạo cuộc đình công đòi bồi thường thiệt hại do cuộc đình công bất hợp pháp).
- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết TCLĐ tại Tòa án với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khi Công đoàn không khởi kiện, không bị kiện nhưng việc giải quyết vụ án lao động có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của Công đoàn nên Công đoàn tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa Công đoàn tham gia với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
...
Như vậy, công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án với tư cách bị đơn trong vụ án người sử dụng lao động khởi kiện Công đoàn.
Ví dụ: Người sử dụng lao động kiện công đoàn cơ sở tổ chức, lãnh đạo cuộc đình công đòi bồi thường thiệt hại do cuộc đình công bất hợp pháp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.