Trạm khí tượng thủy văn được quy định thành lập như thế nào? Nội dung việc khảo sát khí tượng thủy văn gồm nội dung gì?
Trạm khí tượng thủy văn là gì?
Tại khoản 17 Điều 3 Luật Khí tượng thủy văn 2015 định nghĩa khái niệm trạm khí tượng thủy văn như sau:
"17. Trạm khí tượng thủy văn là nơi được lựa chọn theo các yêu cầu kỹ thuật chuyên môn để đặt một hoặc nhiều công trình khí tượng thủy văn, gồm các loại: trạm khí tượng bề mặt, trạm khí tượng trên cao, trạm ra đa thời tiết, trạm khí tượng nông nghiệp, trạm thủy văn, trạm hải văn, trạm đo mưa, trạm định vị sét và các loại trạm chuyên đề khác."
Trạm khí tượng thủy văn được thành lập như thế nào?
Trạm khí tượng thủy văn được quy định thành lập như thế nào?
Điều 14 Luật Khí tượng thủy văn 2015 quy định thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn như sau:
- Thành lập trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia:
+ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia theo quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
+ Trong trường hợp đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh quốc gia, phòng, chống thiên tai, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trạm chưa có trong quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia.
- Thành lập trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng:
+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng theo kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng của bộ, ngành, địa phương;
+ Tổ chức, cá nhân tự quyết định thành lập trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng theo nhu cầu riêng;
+ Người có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân quy định tại điểm a, điểm b khoản này có trách nhiệm thông báo việc thành lập trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn cấp tỉnh nơi đặt trạm.
- Di chuyển trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia:
+ Chỉ di chuyển trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia trong trường hợp: bị thiệt hại do thiên tai mà không khắc phục được; lý do quốc phòng, an ninh quốc gia; trạm thuộc phạm vi dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng; hành lang kỹ thuật bị vi phạm nghiêm trọng hoặc do ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên dẫn đến không đủ điều kiện kỹ thuật để quan trắc hoặc thông tin, dữ liệu quan trắc không còn tính đại diện, không phản ánh đúng quy luật tự nhiên và điều kiện khí tượng thủy văn tại khu vực đặt trạm.
Vị trí mới của trạm phải đáp ứng yêu cầu quan trắc và phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan;
+ Phải tổ chức quan trắc song song giữa trạm cũ và trạm mới để bảo đảm tính liên tục của chuỗi số liệu và không gián đoạn việc cung cấp thông tin, dữ liệu cho công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, trao đổi quốc tế;
+ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định việc di chuyển trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia.
- Di chuyển trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng:
Việc di chuyển trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng do người có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân thành lập trạm quyết định; sau khi di chuyển phải thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn cấp tỉnh nơi đặt trạm.
- Giải thể trạm khí tượng thủy văn:
+ Giải thể trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia trong trường hợp: trạm không còn trong quy hoạch; không bảo đảm điều kiện kỹ thuật để quan trắc mà không thể di chuyển được.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định giải thể trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia;
+ Giải thể trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng trong trường hợp: trạm không còn trong kế hoạch phát triển của bộ, ngành, địa phương và không đủ điều kiện để chuyển sang mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia; không bảo đảm điều kiện kỹ thuật để quan trắc mà không thể di chuyển được; mục đích hoạt động của trạm đã hoàn thành.
Người có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân thành lập trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng quyết định giải thể trạm khí tượng thủy văn thuộc quyền quản lý; sau khi giải thể phải thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn cấp tỉnh nơi đặt trạm.
Nội dung việc khảo sát khí tượng thủy văn gồm nội dung gì?
Điều 17 Luật Khí tượng thủy văn 2015 quy định điều tra, khảo sát khí tượng thủy văn như sau:
- Yêu cầu đối với điều tra, khảo sát khí tượng thủy văn:
+ Điều tra, khảo sát sử dụng ngân sách nhà nước phải theo chương trình, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kết quả điều tra, khảo sát phải được đánh giá chất lượng;
+ Quan trắc, đo đạc trong điều tra, khảo sát phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn.
- Nội dung điều tra, khảo sát khí tượng thủy văn:
+ Xác định vị trí điểm, trạm, khu vực điều tra, khảo sát trên đất liền hoặc tọa độ lưới điểm, trạm điều tra, khảo sát trên biển;
+ Xây dựng công trình khí tượng thủy văn tạm thời phục vụ mục đích điều tra, khảo sát (nếu có);
+ Quan trắc, đo đạc các yếu tố khí tượng thủy văn, các yếu tố khác có liên quan và địa hình khu vực khảo sát;
+ Tính toán phục hồi các đặc trưng, diễn biến của thiên tai khí tượng thủy văn đã xảy ra trên khu vực khảo sát.
- Trách nhiệm thực hiện điều tra, khảo sát khí tượng thủy văn:
+ Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện điều tra, khảo sát để bổ sung thông tin, dữ liệu cho mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia hoặc điều tra, khảo sát đột xuất trong, sau khi có thiên tai xảy ra;
+ Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện điều tra, khảo sát phục vụ mục đích riêng của mình.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.