Trách nhiệm pháp lý là gì? Trách nhiệm pháp lý có mấy loại? Vai trò của Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật là gì?
Trách nhiệm pháp lý là gì?
Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định về khái niệm trách nhiệm pháp lý là gì. Tuy nhiên có thể hiểu trách nhiệm pháp lý là một loại quan hệ pháp luật đặc biệt giữa Nhà nước (thông qua nhà chức trách, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) và chủ thể vi phạm pháp luật.
Hiểu đơn giản, trách nhiệm pháp lý là những hậu quả mà cá nhân, tổ chức phải chịu khi có dấu hiệu vi phạm hoặc thực hiện không đầy đủ các hành vi mà pháp luật quy định.
Trong đó, Nhà nước có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế có tính chất trừng phạt được quy định trong chế tài của quy phạm pháp luật đối với chủ thể vi phạm và chủ thể đó có nghĩa vụ phải gánh chịu hậu quả bất lợi do hành vi của mình gây ra.
Trách nhiệm pháp lý có 3 đặc điểm là:
- Cơ sở thực tế của trách nhiệm pháp lý là vi phạm pháp luật.
- Cơ sở pháp lý của trách nhiệm pháp lý là văn bản áp dụng pháp luật có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Trách nhiệm pháp lý liên quan mật thiết với cưỡng chế Nhà nước.
Lưu ý: Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo
Trách nhiệm pháp lý là gì? Trách nhiệm pháp lý có mấy loại? Vai trò của Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật là gì? (Hình từ Internet)
Trách nhiệm pháp lý có mấy loại? Vai trò của Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật là gì?
Hiện nay, dựa trên tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm pháp luật mà công dân phải chịu trách nhiệm tương ứng với từng loại trách nhiệm pháp lý được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Trách nhiệm pháp lý được phân chia thành bốn loại cụ thể như sau:
Trách nhiệm hình sự
Trách nhiệm pháp lý hình sự, đây là loại trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất mà Nhà nước buộc các chủ thể phạm tội về hình sự theo quy định của pháp luật phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm hình sự là chế tài nặng nề nhất mà Nhà nước sử dụng để trừng trị tội phạm và răn đe, giáo dục những người khác.
Trách nhiệm dân sự
Trách nhiệm dân sự là việc công dân phạm tội buộc phải chịu các biện pháp chế tài nhằm khắc phục những hậu quả, bồi thường cho người bị thiệt hại bởi hành vi vi phạm của mình, thường phải khắc phục bởi tài sản của mình. Trách nhiệm dân sự được quy định tại các Bộ luật Dân sự hay Bộ luật tố tụng Dân sự.
Trách nhiệm hành chính
Trách nhiệm hành chính là 1 loại trách nhiệm mà công dân buộc phải thi hành nghĩa vụ do pháp luật Nhà nước quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính. Thông thường, trách nhiệm hành chính bao gồm các hình thức: khiển trách, cảnh cáo, phạt tiền, …
Trách nhiệm pháp lý kỷ luật
Là một loại trách nhiệm pháp lý được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức của Nhà nước do các hành vi vi phạm kỷ luật, vi phạm quy tắc trong quá trình hoạt động hoặc vi phạm pháp luật mà chưa đến mức độ truy cứu. Việc xử lý kỷ luật sẽ do Luật Cán bộ, công chức và các luật khác có liên quan quy định…, thường bao gồm các hình thức: đình chỉ, cách thức, buộc thôi việc..
Lưu ý: Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo
Theo quy định tại Điều 3 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 có quy định chính sách của Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật như sau:
Chính sách của Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật
1. Phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt.
2. Nhà nước bảo đảm nguồn lực cần thiết cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
3. Thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
4. Giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được lồng ghép trong chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo; là một nội dung trong chương trình giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.
Theo đó, nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong thực hiện chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật. Nhà nước bảo đảm nguồn lực cần thiết cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Việc quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 6 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 việc quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật được quy định như sau:
- Nội dung quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật bao gồm:
+ Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật;
+ Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;
+ Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật;
+ Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật;
+ Thống kê, tổng kết về phổ biến, giáo dục pháp luật;
+ Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong phổ biến, giáo dục pháp luật;
+ Hợp tác quốc tế về phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Cơ quan quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật bao gồm:
+ Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật;
+ Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình, kế hoạch dài hạn, trung hạn về phổ biến, giáo dục pháp luật; chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật;
+ Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật;
+ Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.