Trách nhiệm giám sát và đánh giá dự án đầu tư ra nước ngoài được thực hiện như thế nào theo quy định của pháp luật?
Trách nhiệm giám sát dự án đầu tư ra nước ngoài được quy định như thế nào?
Theo Điều 75 Nghị định 29/2021/NĐ-CP quy định về trách nhiệm giám sát dự án đầu tư ra nước ngoài như sau:
"Điều 75. Trách nhiệm giám sát dự án đầu tư ra nước ngoài
1. Nhà đầu tư, người có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước thực hiện theo dõi, kiểm tra quá trình đầu tư dự án theo nội dung và các chỉ tiêu được phê duyệt tại quyết định đầu tư.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện theo dõi, kiểm tra dự án trong phạm vi quản lý."
Trách nhiệm giám sát và đánh giá dự án đầu tư ra nước ngoài
Đánh giá dự án dự án đầu tư ra nước ngoài thực hiện như thế nào?
Theo Điều 80 Nghị định 29/2021/NĐ-CP quy định về việc đánh giá dự án đầu tư ra nước ngoài như sau:
(1) Trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá dự án:
- Nhà đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức đánh giá kết thúc;
- Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, người có thẩm quyền quyết định đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư tổ chức thực hiện đánh giá đột xuất khi cần thiết.
(2) Nội dung đánh giá kết thúc:
- Đánh giá kết quả thực hiện dự án so với quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài: kết quả thực hiện mục tiêu của dự án; nguồn lực đã huy động; tiến độ thực hiện dự án; hiệu quả kinh tế của dự án;
- Đề xuất và kiến nghị.
(3) Nội dung đánh giá đột xuất:
- Sự phù hợp của kết quả thực hiện dự án so với mục tiêu đầu tư;
- Mức độ hoàn thành khối lượng công việc so với quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
- Xác định phát sinh ngoài dự kiến (nếu có) và nguyên nhân;
- Ảnh hưởng của phát sinh ngoài dự kiến đến việc thực hiện dự án, khả năng hoàn thành mục tiêu của dự án;
- Đề xuất và kiến nghị.
Nội dung giám sát của dự án đầu tư ra nước ngoài gồm những gì?
Nội dung giám sát dự án đầu tư ra nước ngoài được quy định từ Điều 76 Nghị định 29/2021/NĐ-CP đến Điều 79 Nghị định 29/2021/NĐ-CP, cụ thể:
Nội dung giám sát của nhà đầu tư
Nhà đầu tư tự tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra dự án và báo cáo các nội dung sau:
- Việc thực hiện thủ tục đầu tư kinh doanh tại nước ngoài.
- Tình hình thực hiện dự án: Tiến độ thực hiện dự án, tiến độ thực hiện các mục tiêu của dự án, việc huy động và chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, việc huy động và sử dụng vốn nhà nước để đầu tư ra nước ngoài (nếu có).
- Tình hình khai thác, vận hành dự án: Kết quả hoạt động đầu tư kinh doanh, tình hình tài chính của tổ chức kinh tế thành lập tại nước ngoài để thực hiện dự án; việc giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư, giữ lại lợi nhuận để đầu tư dự án mới, chuyển lợi nhuận về nước; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước Việt Nam; tình hình sử dụng lao động Việt Nam.
- Việc thực hiện các nội dung quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
- Việc đảm bảo các điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, kinh doanh bất động sản.
Nội dung giám sát của người có thẩm quyền quyết định đầu tư và cơ quan đại diện sở hữu nhà nước đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước để đầu tư ra nước ngoài
(1) Nội dung theo dõi:
- Tình hình thực hiện chế độ báo cáo của nhà đầu tư;
- Tổng hợp tình hình thực hiện dự án: Tiến độ thực hiện dự án, tiến độ thực hiện các mục tiêu của dự án, tiến độ chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài; việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư của Nhà nước đúng quy định;
- Tổng hợp kết quả hoạt động đầu tư kinh doanh, tình hình tài chính của tổ chức kinh tế thành lập tại nước ngoài để thực hiện dự án, việc chuyển lợi nhuận về nước;
- Việc chấp hành biện pháp xử lý của nhà đầu tư;
- Báo cáo và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, các vấn đề vượt quá thẩm quyền.
(2) Nội dung kiểm tra:
- Tiến độ thực hiện dự án;
- Việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc sử dụng vốn nhà nước để đầu tư ra nước ngoài;
- Việc thực hiện quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
- Việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc: Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài, chuyển lợi nhuận về nước, giám sát và đánh giá dự án đầu tư ra nước ngoài;
- Việc chấp hành biện pháp xử lý vấn đề đã phát hiện.
Nội dung giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư
(1) Nội dung theo dõi:
- Tình hình thực hiện chế độ báo cáo của nhà đầu tư;
- Tổng hợp tình hình thực hiện dự án: Tiến độ thực hiện dự án, việc thực hiện mục tiêu của dự án, tiến độ chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài;
- Tổng hợp kết quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài;
- Việc chấp hành biện pháp xử lý của nhà đầu tư;
- Báo cáo và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt quá thẩm quyền.
(2) Nội dung kiểm tra:
- Tiến độ thực hiện dự án;
- Việc thực hiện quy định tại văn bản quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và quy định khác của pháp luật về đầu tư ra nước ngoài;
- Việc chấp hành biện pháp xử lý vấn đề đã phát hiện.
Nội dung giám sát của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện giám sát dự án đầu tư ra nước ngoài theo các nội dung sau:
(1) Nội dung theo dõi:
- Theo dõi tình hình thực hiện dự án trong phạm vi, lĩnh vực quản lý: Tiến độ thực hiện dự án, việc thực hiện các mục tiêu của dự án, tiến độ chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, việc huy động và sử dụng vốn nhà nước để đầu tư ra nước ngoài (nếu có);
- Tổng hợp tình hình hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong phạm vi, lĩnh vực quản lý;
- Việc đảm bảo điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, kinh doanh bất động sản;
- Việc chấp hành biện pháp xử lý của nhà đầu tư;
- Báo cáo và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt quá thẩm quyền.
(2) Nội dung kiểm tra:
- Kiểm tra theo thẩm quyền việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc: Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, sử dụng vốn nhà nước để đầu tư ra nước ngoài, đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài, chuyển lợi nhuận về nước và quy định pháp luật khác liên quan đến đầu tư ra nước ngoài;
- Việc chấp hành biện pháp xử lý vấn đề đã phát hiện.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.