Tổng hợp các tiêu chí để đánh giá hợp tác xã mới nhất hiện nay? Hợp tác xã được đánh giá dựa trên mấy tiêu chí?

Cho tôi hỏi hiện nay việc đánh giá hợp tác xã được dựa trên bao nhiêu tiêu chí vậy? Nhờ nêu rõ giúp tôi tất cả các tiêu chí để đánh giá hợp tác xã? Muốn được xếp loại tốt thì hợp tác xã phải đạt bao nhiêu điểm? - Anh Châu Minh (Thanh Hóa).

Tổng hợp các tiêu chí để đánh giá hợp tác xã mới nhất hiện nay?

Căn cứ theo Điều 7 Thông tư 01/2020/TT-BKHĐ thì hiện nay hợp tác xã được đánh giá dựa trên 15 tiêu chí, với tổng điểm tối đa là 100 điểm và được chia thành 3 nhóm cụ thể như sau:

(1) Nhóm tiêu chí về tài chính

Tối đa 30 điểm, gồm 4 tiêu chí:

- Tiêu chí 1: Vốn của hợp tác xã;

- Tiêu chí 2: Tài sản của hợp tác xã;

- Tiêu chí 3: Kết quả sản xuất kinh doanh trong năm của hợp tác xã;

- Tiêu chí 4: Trích lập các Quỹ của hợp tác xã.

(2) Nhóm tiêu chí về quản trị, điều hành và năng lực của hợp tác xã

Tối đa 30 điểm, gồm 5 tiêu chí:

- Tiêu chí 5: Chấp hành pháp luật trong tổ chức, hoạt động của hợp tác xã;

- Tiêu chí 6: Giải quyết các tranh chấp, khiếu nại;

- Tiêu chí 7: Trình độ cán bộ quản lý, điều hành;

- Tiêu chí 8: Chế độ, chính sách cho thành viên và người lao động;

- Tiêu chí 9: Mức độ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị.

(3) Nhóm tiêu chí về thành viên, lợi ích thành viên và cộng đồng

Tối đa 40 điểm, gồm 6 tiêu chí:

- Tiêu chí 10: Mức độ tham gia của thành viên đối với hợp tác xã;

- Tiêu chí 11: Lợi ích thành viên;

- Tiêu chí 12: Sản phẩm, dịch vụ hợp tác xã cung ứng cho thành viên;

- Tiêu chí 13: Công tác thông tin, truyền thông, đào tạo bồi dưỡng;

- Tiêu chí 14: Mức độ ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng;

- Tiêu chí 15: Hợp tác xã được khen thưởng trong năm.

Đánh giá hợp tác xã

Tiêu chí đánh giá hợp tác xã (Hình từ Internet)

Hợp tác xã muốn được xếp loại tốt thì phải đạt bao nhiêu điểm?

Tại Điều 8 Thông tư 01/2020/TT-BKHĐ quy định về cách thức đánh giá và xếp loại hợp tác xã như sau:

Cách thức đánh giá và xếp loại hợp tác xã
1. Hàng năm, Hội đồng quản trị hợp tác xã tổ chức tự đánh giá và cho điểm hợp tác xã mình theo các tiêu chí quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này. Ban Kiểm soát (hoặc kiểm soát viên) kiểm tra kết quả việc tự đánh giá theo mẫu hướng dẫn tại Phụ lục 2.
2. Căn cứ trên kết quả tự đánh giá đã được Hội đồng quản trị và ban kiểm soát (kiểm soát viên) thống nhất, hợp tác xã được xếp loại như sau:
a) Tốt: Tổng điểm đánh giá đạt từ 80 điểm đến 100 điểm;
b) Khá: Tổng điểm đánh giá đạt từ 65 điểm đến dưới 80 điểm;
c) Trung bình: Tổng điểm đánh giá đạt từ 50 điểm đến dưới 65 điểm;
d) Yếu: Tổng điểm đánh giá đạt dưới 50 điểm;
3. Trường hợp hợp tác xã mới thành lập và hoạt động chưa đủ 12 tháng hoặc hợp tác xã ngừng hoạt động từ trên 3 tháng trong năm thì không tiến hành đánh giá và xếp loại.

Theo đó, hợp tác xã muốn được xếp loại Tốt thì kết quả tự đánh giá đã được Hội đồng quản trị và ban kiểm soát (kiểm soát viên) thống nhất phải đạt từ 80 điểm đến 100 điểm.

Quyền hạn và nhiệm vụ của hội đồng quản trị hợp tác xã là gì?

Căn cứ theo Điều 36 Luật Hợp tác xã 2012 quy định hội đồng quản trị hợp tác xã sẽ có những quyền hạn và nhiệm vụ sau đây:

- Quyết định tổ chức các bộ phận giúp việc, đơn vị trực thuộc của hợp tác xã theo quy định của điều lệ.

- Tổ chức thực hiện nghị quyết của đại hội thành viên và đánh giá kết quả hoạt động của hợp tác xã.

- Chuẩn bị và trình đại hội thành viên sửa đổi, bổ sung điều lệ, báo cáo kết quả hoạt động, phương án sản xuất, kinh doanh và phương án phân phối thu nhập của hợp tác xã; báo cáo hoạt động của hội đồng quản trị.

- Trình đại hội thành viên xem xét, thông qua báo cáo tài chính; việc quản lý, sử dụng các quỹ của hợp tác xã.

- Trình đại hội thành viên phương án về mức thù lao, tiền thưởng của thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; mức tiền công, tiền lương và tiền thưởng của giám đốc (tổng giám đốc), phó giám đốc (phó tổng giám đốc).

- Chuyển nhượng, thanh lý, xử lý tài sản lưu động của hợp tác xã theo thẩm quyền do đại hội thành viên giao.

- Kết nạp thành viên mới, giải quyết việc chấm dứt tư cách thành viên được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 16 của Luật này và báo cáo đại hội thành viên.

- Đánh giá hiệu quả hoạt động của giám đốc (tổng giám đốc), phó giám đốc (phó tổng giám đốc).

- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, thuê hoặc chấm dứt hợp đồng thuê giám đốc (tổng giám đốc) theo nghị quyết của đại hội thành viên.

- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, thuê hoặc chấm dứt hợp đồng thuê phó giám đốc (phó tổng giám đốc) và các chức danh khác theo đề nghị của giám đốc (tổng giám đốc) nếu điều lệ không quy định khác.

- Khen thưởng, kỷ luật thành viên, hợp tác xã thành viên; khen thưởng các cá nhân, tổ chức không phải là thành viên, hợp tác xã thành viên nhưng có công xây dựng, phát triển hợp tác xã.

- Thông báo tới các thành viên, hợp tác xã thành viên nghị quyết, quyết định của đại hội thành viên, hội đồng quản trị.

- Ban hành quy chế hoạt động của hội đồng quản trị để thực hiện quyền và nhiệm vụ được giao.

- Thực hiện quyền, nhiệm vụ khác theo quy định của điều lệ, nghị quyết của đại hội thành viên và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước đại hội thành viên và trước pháp luật.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đinh Thị Ngọc Huyền Lưu bài viết
1,146 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào