Tổng diện tích sau khi mở rộng cụm công nghiệp phải đáp ứng điều kiện gì theo quy định của pháp luật?
Tổng diện tích cụm công nghiệp sau khi mở rộng cụm công nghiệp phải đáp ứng điều kiện gì?
Căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định 32/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Điều kiện thành lập, mở rộng cụm công nghiệp
...
2. Mở rộng cụm công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Tổng diện tích cụm công nghiệp sau khi mở rộng không vượt quá 75 ha; có quỹ đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn cấp huyện;
b) Có doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức có tư cách pháp lý, có năng lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp;
c) Đạt tỷ lệ lấp đầy ít nhất 60% hoặc nhu cầu thuê đất công nghiệp trong cụm công nghiệp vượt quá diện tích đất công nghiệp hiện có của cụm công nghiệp;
d) Hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung thiết yếu (gồm: Đường giao thông nội bộ, cấp nước, thu gom và xử lý nước thải) theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.
Như vậy, tổng diện tích cụm công nghiệp sau khi mở rộng không vượt quá 75 ha; có quỹ đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn cấp huyện.
Tổng diện tích cụm công nghiệp sau khi mở rộng cụm công nghiệp phải đáp ứng điều kiện gì? (Hình từ Internet)
Bản sao hợp lệ tài liệu chứng minh năng lực tài chính của doanh nghiệp khi mở rộng cụm công nghiệp gồm những tài liệu nào?
Căn cứ theo điểm d khoản 1 Điều 9 Nghị định 32/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng cụm công nghiệp
1. Hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng cụm công nghiệp:
a) Tờ trình đề nghị thành lập hoặc mở rộng cụm công nghiệp của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trường hợp cụm công nghiệp nằm trên hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao một Ủy ban nhân dân cấp huyện trình đề nghị thành lập hoặc mở rộng cụm công nghiệp;
b) Văn bản của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (trong đó có cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật và chịu mọi chi phí, rủi ro nếu không được chấp thuận) kèm theo Báo cáo đầu tư thành lập hoặc mở rộng cụm công nghiệp và bản đồ xác định vị trí, ranh giới của cụm công nghiệp;
c) Bản sao hợp lệ tài liệu về tư cách pháp lý của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp;
d) Bản sao hợp lệ tài liệu chứng minh năng lực tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính (nếu có);
đ) Bản sao hợp lệ tài liệu chứng minh kinh nghiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và các văn bản, tài liệu khác có liên quan (nếu có).
...
Như vậy, bản sao hợp lệ tài liệu chứng minh năng lực tài chính của doanh nghiệp khi mở rộng cụm công nghiệp gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính (nếu có).
Báo cáo đầu tư mở rộng cụm công nghiệp chứa những nội dung chủ yếu nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 32/2024/NĐ-CP thì báo cáo đầu tư mở rộng cụm công nghiệp chứa những nội dung chủ yếu sau:
- Căn cứ pháp lý, sự cần thiết, đánh giá sự phù hợp, đáp ứng các điều kiện thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; nhu cầu lao động; tác động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, tỷ lệ lấp đầy của cụm công nghiệp;
- Hiện trạng sử dụng đất, điều kiện thu hồi đất, dự kiến nhu cầu sử dụng đất, định hướng bố trí các ngành, nghề có tính liên kết, hỗ trợ trong sản xuất;
+ Cơ cấu sử dụng đất và dự kiến thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp; đánh giá khả năng đấu nối hạ tầng kỹ thuật bên trong và ngoài cụm công nghiệp;
- Xác định mục tiêu, diện tích, địa điểm, phạm vi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật;
+ Phân tích, lựa chọn phương án đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật;
+ Phương án giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư (nếu có);
+ Thời hạn, tiến độ thực hiện dự án phù hợp với thực tế và khả năng huy động các nguồn lực;
+ Kế hoạch, tiến độ thu hút đầu tư, di dời và tỷ lệ lấp đầy của cụm công nghiệp;
+ Phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại cụm công nghiệp; phương án nhà ở dành cho lao động của cụm công nghiệp;
- Xác định rõ tư cách pháp lý, năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp;
+ Dự kiến tổng mức đầu tư, cơ cấu, khả năng cân đối, huy động các nguồn vốn đầu tư để thực hiện dự án;
- Chi phí duy tu bảo dưỡng, vận hành hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, các chi phí liên quan khác; phương thức quản lý, khai thác sử dụng sau khi đi vào hoạt động;
- Đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
+ Dự kiến khả năng tiếp nhận, xử lý chất thải xung quanh khu vực dự kiến thành lập, mở rộng cụm công nghiệp;
+ Dự báo những nguồn thải, tác động môi trường của các ngành, nghề dự kiến thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp và phương án quản lý môi trường;
+ Đánh giá sự phù hợp về chức năng nguồn nước;
- Đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có); phân tích, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế, xã hội của cụm công nghiệp; các giải pháp tổ chức thực hiện.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.