Muốn sản xuất thức ăn chăn nuôi để bán ra thị trường, tôi phải đáp ứng điều kiện gì để được Nhà nước cho phép?
Thức ăn chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi thương mại là gì?
Theo quy định tại khoản 25 và 31 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 như sau:
“Điều 2. Giải thích từ ngữ
…
25. Thức ăn chăn nuôi là sản phẩm, mà vật nuôi ăn, uống ở dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến bao gồm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung và thức ăn truyền thống.
…
31. Thức ăn chăn nuôi thương mại là thức ăn chăn nuôi được sản xuất nhằm mục đích trao đổi, mua bán trên thị trường.”
Sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại
Điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi là gì?
Căn cứ quy định tại Điều 38 Luật Chăn nuôi 2018 như sau:
“Điều 38. Điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại, thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Địa điểm cơ sở sản xuất không nằm trong khu vực bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại;
b) Thiết kế khu sản xuất, bố trí thiết bị theo quy tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra, bảo đảm tách biệt giữa các khu sản xuất để tránh nhiễm chéo;
c) Có dây chuyền, trang thiết bị phù hợp để sản xuất thức ăn chăn nuôi;
d) Có biện pháp bảo quản nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo khuyến cáo của tổ chức, cá nhân cung cấp;
đ) Có biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại, tạp chất, chất thải gây nhiễm bẩn để không ảnh hưởng đến an toàn, chất lượng thức ăn chăn nuôi;
e) Có trang thiết bị, dụng cụ đo lường được kiểm định, hiệu chỉnh theo quy định;
g) Có hoặc thuê phòng thử nghiệm để phân tích chất lượng thức ăn chăn nuôi trong quá trình sản xuất;
h) Người phụ trách kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch;
i) Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải có biện pháp kiểm soát bảo đảm không phát tán, gây nhiễm chéo giữa các loại kháng sinh khác nhau, giữa thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh và thức ăn chăn nuôi không chứa kháng sinh;
k) Có biện pháp bảo vệ môi trường đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi tiêu thụ nội bộ phải đáp ứng các điều kiện quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, i và k khoản 1 Điều này, trừ trường hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi tiêu thụ nội bộ sử dụng trong chăn nuôi nông hộ.
3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này.”
Điều kiện về dây chuyền, trang thiết bị sản xuất được quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 13/2020/NĐ-CP như sau:
“Điều 9. Điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi
1. Điểm c khoản 1 Điều 38 của Luật Chăn nuôi được quy định chi tiết như sau:
Dây chuyền sản xuất, trang thiết bị tiếp xúc với thức ăn chăn nuôi phải được làm bằng vật liệu dễ vệ sinh, không gây nhiễm chéo, không thôi nhiễm chất độc hại từ thiết bị sang thức ăn chăn nuôi; khu vực chứa thức ăn chăn nuôi bảo đảm thông thoáng, có đủ ánh sáng để quan sát bằng mắt thường, có giải pháp chống ẩm để không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; cơ sở sản xuất sinh khối vi sinh vật phải có thiết bị tạo môi trường, lưu giữ và nuôi cấy vi sinh vật.”
Yêu cầu về biện pháp kiểm soát tạp chất được quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 13/2020/NĐ-CP, cụ thể:
“Điều 9. Điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi
...
2. Điểm đ khoản 1 Điều 38 của Luật Chăn nuôi được quy định chi tiết như sau:
Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi phải có biện pháp để kiểm soát tạp chất (cát sạn, kim loại, bụi) gây nhiễm bẩn vào sản phẩm; có biện pháp kiểm soát, phòng, chống động vật xâm nhập vào khu vực sản xuất, khu lưu trữ sản phẩm; có biện pháp phòng, chống mối mọt; có biện pháp thu gom và xử lý chất thải để tránh nhiễm bẩn cho sản phẩm và bảo đảm vệ sinh môi trường; có biện pháp bảo hộ, vệ sinh cho người lao động và khách tham quan khu vực sản xuất.”
Quyền và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi?
Theo quy định tại Điều 48 Luật Chăn nuôi 2018, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có các quyền và nghĩa vụ như sau:
“Điều 48. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi
1. Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có quyền sau đây:
a) Được hưởng chính sách của Nhà nước có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi;
b) Được sản xuất thức ăn chăn nuôi theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
c) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến sản xuất thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp luật;
d) Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại ngoài quyền quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì được gia công các loại thức ăn chăn nuôi phù hợp theo quy định của pháp luật.
2. Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo đảm các điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi trong quá trình hoạt động;
b) Xây dựng và thực hiện quy trình kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi, bảo đảm thức ăn chăn nuôi phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm thức ăn chăn nuôi, lưu quy trình kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi;
c) Chỉ được sử dụng các loại sản phẩm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phù hợp với quy định của pháp luật; nguyên liệu sử dụng trong thành phẩm phải có thời hạn sử dụng tối thiểu bằng thời hạn sử dụng của thành phẩm;
d) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về điều kiện sản xuất và chất lượng thức ăn chăn nuôi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thức ăn chăn nuôi do cơ sở sản xuất;
đ) Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại phải công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy, ghi nhãn thức ăn chăn nuôi và lưu đầy đủ hồ sơ tại cơ sở sản xuất theo quy định; lưu nhật ký sản xuất, kết quả thử nghiệm thức ăn chăn nuôi trong thời gian tối thiểu là 02 năm; lưu mẫu thức ăn chăn nuôi trong thời gian tối thiểu là 30 ngày kể từ ngày sản phẩm hết hạn sử dụng; báo cáo tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thực hiện nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này.”
Trong đó, nghĩa vụ chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về điều kiện sản xuất và chất lượng thức ăn được quy định chi tiết tại Điều 5 Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 31/2022/TT-BNNPTNT như sau:
“Điều 5. Báo cáo tình hình sản xuất và kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi
1. Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại, thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng báo cáo tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này gửi về Cục Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn qua Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc dịch vụ bưu chính hoặc fax hoặc thư điện tử hoặc gửi trực tiếp định kỳ hằng tháng trước ngày 07 của tháng tiếp theo kỳ báo cáo; báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng thức ăn chăn nuôi theo mẫu quy định tại Phụ lục IVa ban hành kèm theo Thông tư này gửi về Cục Chăn nuôi, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc trục liên thông văn bản quốc gia hoặc dịch vụ bưu chính hoặc fax hoặc thư điện tử hoặc gửi trực tiếp định kỳ hằng quý trước ngày 07 của tháng tiếp theo kỳ báo cáo; báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Cục Chăn nuôi chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng thức ăn chăn nuôi trên phạm vi cả nước.”
Yêu cầu đối với thức ăn chăn nuôi thương mại trước khi lưu thông trên thị trường là gì?
Theo quy định tại Điều 32 Luật Chăn nuôi 2018, thức ăn chăn nuôi thương mại dành cho heo của bạn trước khi lưu thông trên thị trường phải đáp ứng các yêu cầu như sau:
“Điều 32. Yêu cầu đối với thức ăn chăn nuôi thương mại trước khi lưu thông trên thị trường
1. Công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
2. Có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
3. Sản xuất tại cơ sở có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.
4. Công bố thông tin sản phẩm thức ăn chăn nuôi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
5. Nhãn hoặc tài liệu kèm theo thức ăn chăn nuôi thực hiện theo quy định tại Điều 46 của Luật này.”
Trong đó, yêu cầu về nhãn thức ăn chăn nuôi được quy định tại Điều 46 Luật Chăn nuôi 2018, cụ thể:
“Điều 46. Ghi nhãn thức ăn chăn nuôi
1. Ghi nhãn thức ăn chăn nuôi thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và theo quy định sau đây:
a) Đối với thức ăn chăn nuôi thương mại thì nhãn sản phẩm hoặc tài liệu kèm theo phải thể hiện thông tin về tên sản phẩm, thành phần nguyên liệu chính, chỉ tiêu chất lượng, nơi sản xuất, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng; thông tin về tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đối với hàng hóa bảo đảm yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm;
b) Đối với thức ăn chăn nuôi khác thì nhãn sản phẩm hoặc tài liệu kèm theo phải có thông tin để nhận biết và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết về ghi nhãn thức ăn chăn nuôi.”
Tải về mẫu Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi mới nhất 2023: Tại Đây
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.