Tôi có phải chịu trách nhiệm hình sự khi cho người khác mượn xe gây và người đó gây tai nạn không?
Tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015
Xác định tuổi chịu trách nhiệm hình sự là một vấn đề cực kỳ quan trọng trong pháp luật hình sự Việt Nam cũng như thế giới. Căn cứ tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 thì độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định cụ thể như sau:
- Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự 2015.
Ai là người chịu trách nhiệm hình sự trong tình huống trên?
Căn cứ theo quy định tại Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 về điều kiện của người lái xe tham gia giao thông cụ thể như sau:
- Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.
- Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
+ Đăng ký xe;
+ Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;
+ Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;
+ Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Căn cứ theo quy định tại Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 về tuổi, sức khỏe của người lái xe cụ thể như sau:
- Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:
+ Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
+ Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;
+ Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);
+ Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);
+ Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);
+ Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
- Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ của người lái xe.
Từ những quy định trên và thông tin mà bạn đã cung cấp, cháu bạn tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy chở 3 và xảy ra tai nạn giao thông gây thương hơn 30% cho sức khỏe của 2 người. Tình huống này có dấu hiệu vi phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 thì người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), trong đó không có tội phạm quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017. Vì vậy, cháu của bạn (15 tuổi) không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trên vì không đáp ứng điều kiện về mặt chủ thể của tội này.
Còn bạn là chủ sở hữu phương tiện, biết cháu mình không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ nhưng vẫn cho mượn xe dẫn đến việc cháu bạn gây ra hậu quả như trên. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 76 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Nếu có căn cứ cho rằng bạn không biết cháu mình không đủ điều kiện điều khiển xe thì bạn không phải chịu trách nhiệm.
Mượn xe gây tai nạn giao thông
Mức xử phạt trong tình huống trên được quy định như nào?
Về mức xử phạt vi phạm hành chính đổi với cháu của bạn, theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP cụ thể như sau: Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.
Về mức xử phạt vi phạm hành chính đổi với bạn, theo quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP cụ thể như sau: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô khi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng).
Về mức hình phạt mà bạn có thể sẽ phải chịu trách nhiệm đối với tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 76 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 là phạt tiền 10-50 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.