Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có thể có bao nhiêu Phó Chánh án? Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Phó Chánh án Tòa án nhân dân là gì?
Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có thể có bao nhiêu Phó Chánh án?
Căn cứ vào Điều 1 Quyết định 663/QĐ-TANDTC năm 2017 quy định về số lượng lãnh đạo, quản lý cấp phó đối với Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Số lượng lãnh đạo, quản lý cấp phó đối với Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau:
1. Đối với Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Số lượng Phó Chánh án không quá 03 người;
b) Số lượng cấp phó của Tòa chuyên trách, Văn phòng và các Phòng chức năng không quá 02 người.
2. Đối với Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh:
a) Số lượng Phó Chánh án không quá 04 người;
b) Số lượng cấp phó của Tòa chuyên trách, Văn phòng và các Phòng chức năng không quá 03 người.
3. Đối với Tòa án nhân dân tỉnh có số lượng biên chế dưới 50 người:
a) Số lượng Phó Chánh án không quá 02 người;
b) Số lượng cấp phó của Tòa chuyên trách, Văn phòng và các Phòng chức năng có 01 người.
4. Đối với Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Chánh án là Đại biểu Quốc hội được bổ sung thêm 01 Phó Chánh án.
Từ quy định trên thì đối với Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh:
a) Số lượng Phó Chánh án không quá 04 người;
b) Số lượng cấp phó của Tòa chuyên trách, Văn phòng và các Phòng chức năng không quá 03 người.
Nếu như Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có Chánh án là Đại biểu Quốc hội thì được bổ sung thêm 01 Phó Chánh án.
Bên cạnh đó, theo Điều 3 Quyết định 663/QĐ-TANDTC năm 2017 thì trong trường hợp đặc biệt, do nhu cầu công tác, việc bổ sung số lượng lãnh đạo, quản lý cấp phó đối với Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định.
Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có thể có bao nhiêu Phó Chánh án? (Hình từ Internet)
Phó Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh do ai bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức?
Căn cứ vào Điều 43 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định như sau:
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
1. Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
Nhiệm kỳ của Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.
2. Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giúp Chánh án thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án. Khi Chánh án vắng mặt, một Phó Chánh án được Chánh án ủy nhiệm lãnh đạo công tác của Tòa án. Phó Chánh án chịu trách nhiệm trước Chánh án về nhiệm vụ được giao.
3. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật tố tụng.
Như vậy, Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Phó Chánh án Tòa án nhân dân là gì?
Căn cứ vào Điều 44 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án
1. Chánh án Tòa án có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Trực tiếp tổ chức việc xét xử vụ án hình sự; quyết định giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử;
b) Quyết định phân công Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm giải quyết, xét xử vụ án hình sự; quyết định phân công Thư ký Tòa án tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự; quyết định phân công Thẩm tra viên thẩm tra hồ sơ vụ án hình sự;
c) Quyết định thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án trước khi mở phiên tòa;
d) Ra quyết định thi hành án hình sự;
đ) Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù;
e) Quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù;
g) Quyết định xoá án tích;
h) Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Khi vắng mặt, Chánh án Tòa án ủy quyền cho một Phó Chánh án Tòa án thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án. Phó Chánh án Tòa án phải chịu trách nhiệm trước Chánh án Tòa án về nhiệm vụ được ủy quyền.
2. Khi tiến hành việc giải quyết vụ án hình sự, Chánh án Tòa án có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam, xử lý vật chứng;
b) Quyết định áp dụng, đình chỉ biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
c) Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn hoặc hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn;
d) Kiến nghị, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án;
đ) Quyết định và tiến hành hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án;
e) Tiến hành hoạt động tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.
3. Khi được phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự, Phó Chánh án Tòa án có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này. Phó Chánh án Tòa án không được giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi, quyết định của mình.
4. Chánh án, Phó Chánh án Tòa án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình. Chánh án, Phó Chánh án Tòa án không được ủy quyền cho Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Như vậy, khi được phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự, Phó Chánh án Tòa án có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Bên cạnh đó, Điều 47 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 cũng quy định như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án
1. Chánh án Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tổ chức công tác giải quyết vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án; bảo đảm thực hiện nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật;
b) Quyết định phân công Thẩm phán thụ lý vụ việc dân sự, Thẩm phán giải quyết vụ việc dân sự, Hội thẩm nhân dân tham gia Hội đồng xét xử vụ án dân sự; quyết định phân công Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án tiến hành tố tụng đối với vụ việc dân sự bảo đảm đúng nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này;
c) Quyết định thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án trước khi mở phiên tòa;
d) Quyết định thay đổi người giám định, người phiên dịch trước khi mở phiên tòa;
đ) Ra quyết định và tiến hành hoạt động tố tụng dân sự theo quy định của Bộ luật này;
e) Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật này;
g) Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo quy định của Bộ luật này hoặc kiến nghị Chánh án Tòa án có thẩm quyền xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án;
h) Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật nếu phát hiện có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Bộ luật này;
i) Xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự theo quy định của pháp luật;
k) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
2. Khi Chánh án vắng mặt, một Phó Chánh án được Chánh án ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án, trừ quyền kháng nghị quy định tại điểm g khoản 1 Điều này. Phó Chánh án chịu trách nhiệm trước Chánh án về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy nhiệm.
Từ các quy định trên thì Phó Chánh án được Chánh án ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án (trừ quyền kháng nghị quy định tại điểm g khoản 1 Điều 47 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).
+ Phó Chánh án Tòa án không được giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi, quyết định của mình.
+ Phó Chánh án Tòa án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.
+ Phó Chánh án Tòa án không được ủy quyền cho Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
+ Phó Chánh án chịu trách nhiệm trước Chánh án về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy nhiệm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.