Tổ chức tín dụng được cấp tín dụng vượt quá giới hạn trong trường hợp nào? Công thức xác định mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn?
Tổ chức tín dụng được cấp tín dụng vượt quá giới hạn trong trường hợp nào?
Mức giới hạn cấp tín dụng được quy định tại khoản 1 Điều 136 Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Theo đó, tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng vượt quá tỷ lệ sau đây:
- Từ ngày Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực thi hành (tức ngày 01/07/2024) đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2026: 14% vốn tự có đối với một khách hàng; 23% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;
- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2027: 13% vốn tự có đối với một khách hàng; 21% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;
- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2027 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2028: 12% vốn tự có đối với một khách hàng; 19% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;
- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2028 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2029: 11% vốn tự có đối với một khách hàng; 17% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;
- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2029: 10% vốn tự có đối với một khách hàng; 15% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.
Lưu ý: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó không được vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Tiếp đó, căn cứ theo khoản 7 Điều 136 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định như sau:
Giới hạn cấp tín dụng
...
6. Trường hợp nhu cầu vốn của một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó vượt quá giới hạn cấp tín dụng quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp tín dụng hợp vốn theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
7. Trường hợp đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà khả năng hợp vốn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được nhu cầu của một khách hàng thì Thủ tướng Chính phủ quyết định mức cấp tín dụng tối đa trong trường hợp tổng mức dư nợ cấp tín dụng vượt quá giới hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này đối với từng trường hợp cụ thể.
Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa trong trường hợp tổng mức dư nợ cấp tín dụng vượt quá giới hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này.
...
Như vậy, tổ chức tín dụng được phép cấp tín dụng vượt quá giới hạn trong trường hợp đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà khả năng hợp vốn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được nhu cầu của một khách hàng.
Trong trường hợp này, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định mức cấp tín dụng tối đa trong trường hợp tổng mức dư nợ cấp tín dụng vượt quá giới hạn đối với từng trường hợp cụ thể.
Tổ chức tín dụng được cấp tín dụng vượt quá giới hạn trong trường hợp nào? (hình từ internet)
Công thức xác định mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn?
Căn cứ theo Điều 5 Quyết định 09/2024/QĐ-TTg quy định về cách xác định mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn:
Theo đó, mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó được xác định theo công thức:
MCTDTĐ = TMDN + ĐN |
Trong đó:
MCTDTĐ là mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn;
TMDN là tổng mức dư nợ cấp tín dụng tại thời điểm báo cáo;
ĐN là số tiền đề nghị cấp tín dụng mới được chấp thuận.
Trong công thức trên, TMDN và ĐN được xác định như sau:
(1) Tổng mức dư nợ cấp tín dụng tại thời điểm báo cáo (TMDN) được tính vào mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn là tổng mức dư nợ cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó tại tổ chức tín dụng tại thời điểm báo cáo, bao gồm:
- Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đã cấp trong giới hạn cho phép thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng;
- Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của các khoản cấp tín dụng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp tín dụng vượt giới hạn còn hiệu lực tính đến thời điểm báo cáo.
(2) Đề nghị cấp tín dụng mới được chấp thuận (ĐN):
Số tiền đề nghị mới được tính vào mức cấp tín dụng tối đa là tổng số tiền của các khoản tín dụng mới được Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp tín dụng vượt giới hạn.
Điều kiện để tổ chức tín dụng được cấp tín dụng vượt quá giới hạn là gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Quyết định 09/2024/QĐ-TTg thì tổ chức tín dụng được cấp tín dụng vượt quá giới hạn phải đáp ứng điều kiện sau:
(1) Về cấp tín dụng hợp vốn:
Đã đề xuất và thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật về việc cấp tín dụng hợp vốn đối với các dự án, phương án đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn mà khả năng hợp vốn của các tổ chức tín dụng chưa đáp ứng được yêu cầu vay vốn của một khách hàng; hoặc
Đã phát hành thư mời hợp vốn tới ít nhất 05 tổ chức tín dụng khác; đăng tải thư mời hợp vốn trên cổng thông tin điện tử chính thức của tổ chức tín dụng và cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc Tạp chí Ngân hàng hoặc Thời báo Ngân hàng trong thời gian ít nhất 45 ngày nhưng không có tổ chức tín dụng khác tham gia hợp vốn.
(2) Tại thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, tổ chức tín dụng đáp ứng các yêu cầu về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
(3) Thực hiện đầy đủ các yêu cầu liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ được nêu tại hồ sơ đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn và các văn bản phê duyệt chấp thuận cấp tín dụng vượt giới hạn trước đó;
(4) Đảm bảo tuân thủ quy định về giới hạn cấp tín dụng tại khoản 8 Điều 136 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 khi tính cả khoản cấp tín dụng vượt giới hạn đang đề nghị.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.