Tổ chức thực tập phòng cháy và chữa cháy thực hiện vào khoảng thời gian nào? Không tham gia thực tập phương án chữa cháy bị xử phạt vi phạm hành chính ra sao?
Doanh nghiệp phải tổ chức thực tập phương án chữa cháy có đúng không?
Tại quy định tại khoản 10 Điều 19 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức thực tập phương án chữa cháy như sau:
"Điều 19. Phương án chữa cháy
...
10. Trách nhiệm tổ chức thực tập phương án chữa cháy:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết, tổ chức thực tập phương án chữa cháy của cơ sở, khu dân cư, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của mình;
b) Cơ quan Công an có trách nhiệm tổ chức thực tập phương án chữa cháy của cơ quan Công an theo yêu cầu của người có thẩm quyền phê duyệt;
c) Lực lượng, phương tiện có trong phương án chữa cháy khi được huy động thực tập phải tham gia đầy đủ;
d) Người có trách nhiệm tổ chức thực tập phương án chữa cháy của cơ sở phải gửi kế hoạch, báo cáo kết quả tổ chức thực tập phương án chữa cháy đến cơ quan Công an quản lý trực tiếp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực tập phương án chữa cháy."
Như vậy chủ doanh nghiệp phải có trách nhiệm tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại cơ sở của mình. Các thành viên trong lực lượng có trong phương án chữa cháy khi được huy động thực tập thì phải tham gia đầy đủ.
Không tham gia thực tập phương án chữa cháy bị xử phạt vi phạm hành chính ra sao? (Hình từ Internet)
Không tham gia thực tập phương án chữa cháy bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Các hành vi vi phạm việc thực hiện phương án chữa cháy sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 41 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
"Điều 41. Vi phạm quy định về phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không quản lý phương án chữa cháy theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Xây dựng phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ không bảo đảm yêu cầu và nội dung theo quy định của pháp luật;
b) Không gửi kế hoạch, báo cáo kết quả tổ chức thực tập phương án chữa cháy đến cơ quan quản lý trực tiếp theo quy định của pháp luật;
c) Không sao gửi phương án cứu nạn, cứu hộ cho cơ quan quản lý có thẩm quyền.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ chưa được phê duyệt theo quy định của pháp luật;
b) Không tổ chức thực tập lần lượt các tình huống trong phương án chữa cháy theo quy định của pháp luật;
c) Không bố trí người tham gia hoặc không cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết liên quan tới việc xây dựng phương án chữa cháy theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không xây dựng phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ;
b) Không tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của pháp luật;
c) Không bố trí lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý tham gia thực tập phương án chữa cháy khi được người có thẩm quyền huy động."
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì mức phạt trên chỉ áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Chiếu theo quy định trên thì trong công tác tổ chức thực tập phương án chữa cháy chỉ bị phạt khi:
- Không gửi kế hoạch, báo cáo kết quả tổ chức thực tập phương án chữa cháy đến cơ quan quản lý trực tiếp theo quy định của pháp luật.
- Không tổ chức thực tập lần lượt các tình huống trong phương án chữa cháy theo quy định của pháp luật.
- Không tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của pháp luật.
- Không bố trí lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý tham gia thực tập phương án chữa cháy khi được người có thẩm quyền huy động.
Vậy hiện nay không có biện pháp xử phạt hành chính áp dụng cho việc không tham gia thực tập phương án chữa cháy. Tuy nhiên việc này có thể bị xử phạt theo nội quy nội bộ của doanh nghiệp.
Thời điểm tổ chức thực tập phương án chữa cháy được quy định thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 10 Thông tư 149/2020/TT-BCA quy định về thời hạn thực tập phương án chữa cháy của cơ sở như sau:
"Điều 10. Thời hạn thực tập phương án chữa cháy
1. Phương án chữa cháy của cơ sở quy định tại điểm a khoản 3 Điều 19 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP phải được tổ chức thực tập ít nhất một lần một năm và thực tập đột xuất khi có yêu cầu bảo đảm về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với các sự kiện đặc biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tổ chức ở địa phương. Mỗi lần thực tập phương án chữa cháy có thể thực tập một hoặc nhiều tình huống khác nhau, nhưng phải bảo đảm tất cả các tình huống trong phương án lần lượt được tổ chức thực tập."
Theo quy định trên thì việc thực tập phương án chữa cháy tại doanh nghiệp được tổ chức thực hiện trong hai trường hợp:
- Thực tập định kỳ ít nhất một lần trong năm
- Thực tập đột xuất khi có yêu cầu bảo đảm về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với các sự kiện đặc biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tổ chức ở địa phương.
Như vậy không có quy định về thời điểm cụ thể để tổ chức thực tập, doanh nghiệp có thể tự tổ chức nhưng phải đảm bảo ít nhất một lần trong năm trừ các trường hợp phải thực tập đột xuất.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.