Tổ chức thẩm định dự án quan trọng quốc gia là trách nhiệm của ai? Xác định chi phí thẩm định dự án thế nào?
Tổ chức thẩm định dự án quan trọng quốc gia là trách nhiệm của ai?
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 29/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
Tổ chức, trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng thẩm định nhà nước
1. Hội đồng thẩm định nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo từng dự án có nhiệm vụ tổ chức thẩm định các dự án quan trọng quốc gia (Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi) để trình Quốc hội quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư.
2. Hội đồng, thẩm định nhà nước gồm Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên khác của Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các cơ quan liên quan do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thẩm định và các hoạt động thẩm định theo nhiệm vụ được giao; ý kiến đánh giá kết quả thẩm định, kết luận và kiến nghị của Hội đồng thẩm định nhà nước về các nội dung của dự án quan trọng quốc gia được phân công và theo quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định nhà nước.
...
Theo đó việc tổ chức thẩm định dự án quan trọng quốc gia là trách nhiệm của Hội đồng thẩm định nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo từng dự án.
Bên cạnh đó trong quá trình thẩm định dự án quan trọng quốc gia Hội đồng thẩm định nhà nước còn có các quyền hạn như sau:
- Xem xét, quyết định các vấn đề về nội dung, chương trình và kế hoạch công tác của Hội đồng và các vấn đề khác có liên quan trong quá trình thẩm định dự án quan trọng quốc gia;
- Yêu cầu chủ đầu tư, nhà đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư cung cấp các tài liệu liên quan trong quá trình thẩm định dự án quan trọng quốc gia, thanh toán các chi phí thẩm tra, thẩm định theo dự toán và tiến độ thực hiện công việc thẩm định đã được phê duyệt;
- Yêu cầu nhà thầu tư vấn (hoặc cơ quan có liên quan) cung cấp các tài liệu liên quan trong quá trình thẩm tra, thẩm định dự án quan trọng quốc gia.
Tổ chức thẩm định dự án quan trọng quốc gia là trách nhiệm của ai? (Hình từ Internet)
Điều kiện để thông qua các nội dung thẩm định dự án quan trọng quốc gia là gì?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 29/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
Tổ chức, trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng thẩm định nhà nước
...
5. Hội đồng thẩm định nhà nước làm việc theo chế độ tập thể dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng. Phiên họp Hội đồng thẩm định nhà nước được coi là hợp lệ khi có ít nhất 50% số thành viên tham dự (kể cả người được ủy quyền). Các ý kiến kết luận được thống nhất theo nguyên tắc đa số. Trường hợp tỷ lệ biểu quyết là bằng nhau và đạt 50% số thành viên Hội đồng (bao gồm cả số có mặt tại phiên họp và số biểu quyết bằng văn bản gửi đến Hội đồng), vấn đề được thông qua theo ý kiến đã biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng.
Kết luận cuối cùng thông qua các nội dung thẩm định dự án quan trọng quốc gia trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải được ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua. Ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước được thực hiện bằng cách biểu quyết tại cuộc họp hoặc bằng văn bản gửi đến Hội đồng thẩm định nhà nước.
Như vậy Điều kiện để kết luận cuối cùng thông qua các nội dung thẩm định dự án quan trọng quốc gia trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì phải được ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua.
Xác định chi phí thẩm định dự án quan trọng quốc gia thế nào?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 12 Nghị định 29/2021/NĐ-CP có hướng dẫn xác định chi phí thẩm định dự án quan trọng quốc gia như sau:
* Chi phí thẩm định dự án quan trọng quốc gia được tính bằng 20% chi phí thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
- Cụ thể định mức chi phí thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được tính bằng định mức chi phí thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi;
- Trường hợp không có định mức chi phí thẩm tra và phải lập dự toán chi phí thẩm tra như dưới dây thì lập dự toán chi phí thẩm định tương ứng:
Định mức chi phí thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi áp dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trường hợp thuê tư vấn nước ngoài, liên danh tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài hoặc không có định mức thì phải lập dự toán chi phí, bao gồm:
+ Chi phí chuyên gia: khoản chi phí tiền lương trả cho các chuyên gia tư vấn trong khoảng thời gian thực hiện;
+ Chi phí khác: các chi phí phục vụ, hỗ trợ cho hoạt động của nhà thầu tư vấn trong thời gian thực hiện hoạt động tư vấn thẩm tra như: chi phí đi lại (quốc tế và trong nước), chi phí thuê văn phòng, thiết bị văn phòng, chi phí hoạt động của văn phòng, chi phí thông tin liên lạc, chi phí hỗ trợ ăn, ở cho các chuyên gia tư vấn, chi phí bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp (nếu có) và các chi phí khác;
+ Thuế: các khoản thuế mà nhà thầu tư vấn thẩm tra phải nộp theo quy định của pháp luật Việt Nam;
+ Chi phí dự phòng: khoản chi phí dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh và trượt giá trong thời gian nhà thầu tư vấn thẩm tra thực hiện công việc.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.