Tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở có được đầu tư, giao dịch chứng quyền có bảo đảm dựa trên chứng khoán của tổ chức đó không?
Tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở là gì?
Căn cứ khoản 3 Điều 2 Thông tư 107/2016/TT-BTC quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chứng quyền có bảo đảm (sau đây gọi tắt là chứng quyền) là hợp đồng giữa nhà đầu tư và tổ chức phát hành chứng quyền được định nghĩa theo khoản 1 Điều 1 Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/06/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/07/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (sau đây gọi tắt là Nghị định số 60/2015/NĐ-CP).
2. Chứng khoán cơ sở là chứng khoán được sử dụng làm tài sản cơ sở của chứng quyền.
3. Tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở là tổ chức phát hành chứng khoán làm tài sản cơ sở của chứng quyền.
4. Tổ chức phát hành chứng quyền (sau đây gọi tắt là tổ chức phát hành) là công ty chứng khoán phát hành chứng quyền.
5. Ngân hàng lưu ký là ngân hàng thực hiện việc lưu ký, giám sát tài sản do tổ chức phát hành chứng quyền ký quỹ để bảo đảm thanh toán cho các chứng quyền đã phát hành và không phải là người có liên quan của tổ chức phát hành theo quy định của pháp luật chứng khoán.
...
Như vậy, tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở là tổ chức phát hành chứng khoán làm tài sản cơ sở của chứng quyền.
Tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở là gì? (Hình từ Internet)
Tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở có được đầu tư, giao dịch chứng quyền có bảo đảm dựa trên chứng khoán của tổ chức đó không?
Căn cứ khoản 4 Điều 13 Thông tư 107/2016/TT-BTC quy định về hoạt động giao dịch, thanh toán giao dịch chứng quyền của nhà đầu tư như sau:
Hoạt động giao dịch, thanh toán giao dịch chứng quyền của nhà đầu tư
1. Chứng quyền được giao dịch thông qua hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán theo hướng dẫn tại quy chế của Sở Giao dịch chứng khoán. Nhà đầu tư đặt lệnh giao dịch chứng quyền trên tài khoản giao dịch chứng khoán thông thường. Công ty chứng khoán chỉ được nhận lệnh mua hoặc bán chứng quyền của nhà đầu tư khi nhà đầu tư đã có đủ một trăm phần trăm (100%) tiền hoặc chứng quyền để giao dịch theo quy định pháp luật liên quan. Công ty chứng khoán không được cho nhà đầu tư thực hiện giao dịch ký quỹ đối với chứng quyền.
2. Hoạt động thanh toán giao dịch chứng quyền thực hiện theo quy chế của Trung tâm Lưu ký chứng khoán.
3. Sau khi hoàn tất thanh toán giao dịch mua chứng quyền, nhà đầu tư trở thành người sở hữu chứng quyền, tổ chức phát hành phải chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ chứng quyền mà nhà đầu tư sở hữu.
4. Tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở không được đầu tư, giao dịch chứng quyền dựa trên chứng khoán của tổ chức đó.
5. Nhà đầu tư nước ngoài không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu chứng quyền.
6. Quỹ đại chúng chỉ được đầu tư vào chứng quyền nhằm mục tiêu phòng ngừa rủi ro.
Như vậy, theo quy định, tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở không được đầu tư, giao dịch chứng quyền có bảo đảm dựa trên chứng khoán của tổ chức đó.
Tổ chức phát hành có nghĩa vụ thực hiện chứng quyền có bảo đảm theo phương thức nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 14 Thông tư 107/2016/TT-BTC quy định về thực hiện chứng quyền như sau:
Thực hiện chứng quyền
1. Tùy thuộc vào điều kiện phát hành, loại chứng khoán cơ sở, tổ chức phát hành có nghĩa vụ thực hiện chứng quyền theo một trong các phương thức dưới đây:
a) Chuyển giao chứng khoán cơ sở;
b) Thanh toán tiền.
Số tiền thanh toán được tính toán dựa trên giá thanh toán (chỉ số thanh toán) của chứng khoán cơ sở và giá thực hiện (chỉ số thực hiện). Sở Giao dịch chứng khoán xác định mức giá thanh toán (chỉ số thanh toán) làm căn cứ tính số tiền thanh toán và công bố mức giá này hàng ngày đối với các chứng quyền đang lưu hành.
2. Phương thức thanh toán phải được công bố tại Bản cáo bạch và Bản thông báo phát hành. Phương thức thanh toán bằng tiền phải được thực hiện trong các trường hợp sau:
a) Chứng quyền phát hành dựa trên chứng khoán cơ sở là chỉ số chứng khoán;
b) Thực hiện chứng quyền theo hình thức chuyển giao chứng khoán cơ sở cho nhà đầu tư nước ngoài dẫn tới vượt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa đối với chứng khoán cơ sở.
...
Như vậy, theo quy định, tùy thuộc vào điều kiện phát hành, loại chứng khoán cơ sở, tổ chức phát hành có nghĩa vụ thực hiện chứng quyền có bảo đảm theo một trong các phương thức sau đây:
(1) Chuyển giao chứng khoán cơ sở;
(2) Thanh toán tiền.
Số tiền thanh toán được tính toán dựa trên giá thanh toán của chứng khoán cơ sở và giá thực hiện.
Sở Giao dịch chứng khoán xác định mức giá thanh toán làm căn cứ tính số tiền thanh toán và công bố mức giá này hàng ngày đối với các chứng quyền đang lưu hành.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.