Tổ chức kinh tế sau khi thực hiện bảo lãnh cho người không cư trú thì sẽ thực hiện thu hồi nợ bảo lãnh như thế nào?
Tổ chức kinh tế có thể thực hiện hoạt động bảo lãnh cho người không cư trú hay không?
Trước tiên cần hiểu bảo lãnh cho người không cư trú có bản chất là gì. Căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 37/2013/TT-NHNN có quy định cụ thể như sau:
"1. Bảo lãnh cho người không cư trú là việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức kinh tế là người cư trú cam kết bằng văn bản với bên nhận bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh là người không cư trú khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh."
Đồng thời, khoản 12 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối 2013 có quy định về hoạt động của tổ chức kinh tế như sau:
“Điều 19. Cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của người cư trú là tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế
1. Tổ chức tín dụng được phép thực hiện cho vay, thu hồi nợ nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
2. Tổ chức kinh tế thực hiện cho vay ra nước ngoài, trừ việc xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ trả chậm; bảo lãnh cho người không cư trú khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc thực hiện mở và sử dụng tài khoản, chuyển vốn ra và thu hồi nợ nước ngoài, đăng ký cho vay, thu hồi nợ nước ngoài và các giao dịch chuyển vốn khác có liên quan đến hoạt động cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của các tổ chức kinh tế.”
Căn cứ vào những quy định trên, có thể thấy, tổ chức kinh tế được phép thực hiện bảo lãnh cho người không cư trú khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Cụ thể, tổ chức kinh tế thực hiện cam kết bằng văn bản với bên nhận bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh là người không cư trú khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh. Việc bảo lãnh được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Tổ chức kinh tế có thể thực hiện hoạt động bảo lãnh cho người không cư trú hay không?
Sau khi thực hiện xong hoạt động bảo lãnh cho người không cư trú thì tổ chức kinh tế thu hồi nợ bảo lãnh từ ai?
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Thông tư 37/2013/TT-NHNN quy định về việc thu hồi nợ bảo lãnh cụ thể như sau:
"2. Thu hồi nợ bảo lãnh là việc Bên bảo lãnh thu hồi khoản nợ từ bên được bảo lãnh là người không cư trú sau khi đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh."
Có thể thấy, sau khi hoàn tất nghĩa vụ bảo lãnh cho người không cư trú, bên bảo lãnh là tổ chức kinh tế sẽ thu hồi khoản nợ từ bên được bảo lãnh (là người không cư trú).
Tổ chức kinh tế thu hồi nợ bảo lãnh theo trình tự nào?
Căn cứ Điều 11 và Điều 12 Thông tư 37/2013/TT-NHNN, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 17 Thông tư 29/2015/TT-NHNN quy định về hồ sơ đăng ký khoản thu hồi nợ bảo lãnh và trình tự thực hiện đăng ký khoản thu hồi nợ bảo lãnh của tổ chức kinh tế được thực hiện như sau:
(1) Hồ sơ đăng ký khoản thu hồi nợ bảo lãnh
"1. Trường hợp khoản thu hồi nợ bảo lãnh từ hoạt động bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế, hồ sơ đăng ký bao gồm:
a) Đơn đăng ký khoản thu hồi nợ bảo lãnh (theo Phụ lục số 03 kèm theo Thông tư này).
b) Hồ sơ pháp lý của Bên bảo lãnh bao gồm: Bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp), Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép hoặc Quyết định thành lập Bên bảo lãnh theo quy định của pháp luật (nếu có) và các bản sửa đổi (nếu có). Trong trường hợp người nộp hồ sơ nộp bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu, người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.
c) Bản sao (có xác nhận của Bên bảo lãnh) văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với việc tổ chức kinh tế bảo lãnh cho người không cư trú.
d) Bản sao và bản dịch tiếng Việt (có xác nhận của Bên bảo lãnh) văn bản của bên nhận bảo lãnh yêu cầu Bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;
đ) Bản sao và bản dịch tiếng Việt (có xác nhận của Bên bảo lãnh) cam kết bảo lãnh, thỏa thuận cấp bảo lãnh đã ký, thỏa thuận (hoặc thông báo) về việc thu hồi nợ Bên bảo lãnh đã trả thay cho bên được bảo lãnh.
e) Bản sao (có xác nhận của tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tài khoản) chứng từ chứng minh việc bên bảo lãnh đã chuyển tiền thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh."
(2) Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký khoản thu hồi nợ bảo lãnh:
"1. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày chuyển tiền thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, bên bảo lãnh hoặc đại diện bên bảo lãnh (trong trường hợp đồng bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối) một (01) bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 11 Thông tư này.
2. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của bên bảo lãnh hoặc đại diện bên bảo lãnh, Ngân hàng Nhà nước gửi bên bảo lãnh hoặc đại diện bên bảo lãnh văn bản xác nhận đăng ký khoản thu hồi nợ bảo lãnh bao gồm các nội dung chính sau: Bên bảo lãnh hoặc Đại diện bên bảo lãnh; bên được bảo lãnh; bên nhận bảo lãnh; các điều kiện cơ bản của khoản thu hồi nợ bảo lãnh: hạn mức bảo lãnh, số tiền đã bảo lãnh, mục đích bảo lãnh, lãi suất thu hồi nợ, lãi phạt, phí, kế hoạch thu hồi nợ; tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tài khoản và các nội dung khác liên quan đến khoản thu hồi nợ bảo lãnh (nếu có).
3. Trường hợp từ chối xác nhận đăng ký thay đổi, Ngân hàng Nhà nước có văn bản nêu rõ lý do."
Như vậy, tổ chức kinh tế được phép thực hiện hoạt động bảo lãnh cho người không cư trú khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Sau khi hoàn tất nghĩa vụ bảo lãnh, tổ chức kinh tế thu hồi nợ bảo lãnh từ bên được bảo lãnh, tức người không cư trú. Việc đăng ký khoản thu hồi nợ bảo lãnh được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về hồ sơ và trình tự đăng ký nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.