Tổ chức giám định tư pháp công lập bao gồm những tổ chức nào? Tổ chức này được thành lập trong những lĩnh vực gì?
Tổ chức giám định tư pháp công lập bao gồm những tổ chức nào?
Căn cứ theo Điều 12 Luật giám định tư pháp 2012 (được sửa đổi bởi điểm a khoản 8 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020) thì hiện nay có những tổ chức giám định tư pháp công lập sau đây:
(1) Tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y bao gồm:
- Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế;
- Trung tâm pháp y cấp tỉnh;
- Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng;
- Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự, Bộ Công an.
(2) Tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y tâm thần bao gồm:
- Viện pháp y tâm thần trung ương thuộc Bộ Y tế;
- Trung tâm pháp y tâm thần khu vực thuộc Bộ Y tế.
Căn cứ yêu cầu giám định pháp y tâm thần của hoạt động tố tụng và điều kiện thực tế của các khu vực, vùng miền trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định thành lập Trung tâm pháp y tâm thần khu vực sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
(3) Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm:
- Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an;
- Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh;
- Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng;
- Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
(4) Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao:
Thực hiện giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi.
Tổ chức giám định tư pháp công lập (Hình từ Internet)
Tổ chức giám định tư pháp công lập được thành lập trong những lĩnh vực nào?
Theo khoản 1 Điều 12 Luật giám định tư pháp 2012 thì tổ chức giám định tư pháp công lập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự.
Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể xem xét, quyết định thành lập hoặc trình cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập trong các lĩnh vực khác sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập là tổ chức nào?
Căn cứ theo Điều 14 Luật Giám định tư pháp 2012 quy định về Văn phòng giám định tư pháp như sau:
Văn phòng giám định tư pháp
1. Văn phòng giám định tư pháp là tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.
2. Văn phòng giám định tư pháp do 01 giám định viên tư pháp thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng giám định tư pháp do 02 giám định viên tư pháp trở lên thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.
Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng giám định tư pháp là Trưởng văn phòng. Trưởng văn phòng giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp.
Theo đó, ngoài những tổ chức giám định tư pháp công lập thì còn có Văn phòng giám định tư pháp, đây là tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập.
Văn phòng giám định tư pháp được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.
Người nào có thể thành lập Văn phòng giám định tư pháp?
Theo Điều 15 Luật Giám định tư pháp 2012 (được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020) quy định về điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp như sau:
Điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp
1. Giám định viên tư pháp được thành lập Văn phòng giám định tư pháp khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có từ đủ 03 năm trở lên là giám định viên tư pháp và có hoạt động giám định trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng;
b) Có Đề án thành lập theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 16 của Luật này.
2. Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng không được thành lập Văn phòng giám định tư pháp.
Như vậy, Giám định viên tư pháp là người có thể thành lập Văn phòng giám định tư pháp khi đáp ứng đủ các điều kiện được quy định trên đây.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.