Tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử phải gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật trong thời gian bao lâu?
- Tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử phải gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật trong thời gian bao lâu?
- Đối tượng sở hữu website thương mại điện tử bán hàng có bắt buộc phải công bố số điện thoại để tiếp nhận phản ánh về chất lượng hàng hóa không?
- Thông tin về hàng hóa công bố trên website thương mại điện tử bán hàng phải gồm những thông tin gì?
Tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử phải gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật trong thời gian bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 36 Nghị định 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm a khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử:
Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử
...
8. Có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử:
a) Ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật;
b) Gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
c) Phối hợp với các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy trình, thủ tục công bố tại Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử;
d) Cảnh cáo hoặc từ chối cung cấp dịch vụ có thời hạn hoặc vĩnh viễn đối với những cá nhân, thương nhân, tổ chức có hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật;
...
Như vậy, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử phải có trách nhiệm trong việc gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử phải gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật trong thời gian bao lâu? (Hình từ Internet)
Đối tượng sở hữu website thương mại điện tử bán hàng có bắt buộc phải công bố số điện thoại để tiếp nhận phản ánh về chất lượng hàng hóa không?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP về thông tin về người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng:
Thông tin về người sở hữu website
Thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử bán hàng phải công bố những thông tin tối thiểu sau trên trang chủ website:
1. Tên và địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân.
2. Số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức, hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân.
3. Số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác để tiếp nhận phản ánh về chất lượng hàng hóa, dịch vụ.
Như vậy, thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử bán hàng có thể lựa chọn giữa việc cung cấp số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác để tiếp nhận phản ánh về chất lượng hàng hóa, dịch vụ.
Hay nói cách khác, các đối tượng sở hữu website thương mại điện tử bán hàng không bắt buộc phải công bố thông tin về số điện thoại để tiếp nhận phản ánh về chất lượng hàng hóa, dịch vụ nếu đã cung cấp một phương thức liên hệ trực tuyến khác (có thể là địa chỉ email).
Thông tin về hàng hóa công bố trên website thương mại điện tử bán hàng phải gồm những thông tin gì?
Dựa theo quy định tại Điều 30 Nghị định 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 12 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP về thông tin về hàng hóa, dịch vụ:
Theo đó, thông tin về hàng hóa công bố trên website thương mại điện tử bán hàng phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm như:
- Năm, tháng, ngày sản xuất;
- Hạn sử dụng;
- Số lô sản xuất;
- Số khung, số máy.
Lưu ý: Đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.
Người bán hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải công bố số, ngày cấp và nơi cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện, văn bản xác nhận, hoặc các hình thức văn bản khác theo quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh của ngành, nghề đó.
Trong đó, website thương mại điện tử được định nghĩa là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.