Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ điều tra hình sự có phải thực hiện chế độ báo cáo về điều tra hình sự hay không?

Tôi là cán bộ trong cơ quan điều tra các vụ án hình sự. Tôi nghe nói ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ điều tra, tôi và mọi người còn cần phải tuân thủ chế độ báo cáo về điều tra hình sự. Tôi muốn hỏi điều này có đúng hay không? Chế độ này áp dụng cho đối tượng nào? Nguyên tắc và hình thức thực hiện được quy định như thế nào? Có những loại báo cáo nào và cách thức thực hiện ra sao?

Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ điều tra hình sự có phải thực hiện chế độ báo cáo về điều tra hình sự hay không?

Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 128/2017/NĐ-CP, đối tượng phải áp dụng chế độ báo cáo về điều tra hình sự bao gồm:

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định tại Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện chế độ báo cáo về điều tra hình sự.

Căn cứ vào quy định trên, có thể thấy ngoài những tổ chức, cá nhân được thực hiện các hoạt động điều tra thì những cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thực hiện chế độ báo cáo về điều tra hình sự cũng phải thực hiện theo quy định.

Chế độ báo cáo về điều tra hình sự

Chế độ báo cáo về điều tra hình sự

Nguyên tắc và hình thức thực hiện chế độ báo cáo về điều tra hình sự được quy định như thế nào?

(1) Nguyên tắc thực hiện chế độ báo cáo về điều tra hình sự: quy định tại Điều 3 Nghị định 128/2017/NĐ-CP

- Tuân thủ Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và quy định tại Nghị định này.

- Bảo đảm trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời.

- Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

- Việc soạn thảo, ban hành, quản lý, khai thác, sử dụng báo cáo về điều tra hình sự phải đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước và chế độ văn thư, lưu trữ.

(2) Hình thức báo cáo và phương thức gửi báo cáo về điều tra hình sự: quy định tại Điều 4 Nghị định 128/2017/NĐ-CP

- Hình thức báo cáo

Báo cáo phải được thực hiện bằng văn bản, có chữ ký, họ tên của người có thẩm quyền ký báo cáo, đóng dấu phát hành theo quy định kèm theo tệp dữ liệu điện tử.

- Phương thức gửi báo cáo

Báo cáo được gửi đến cơ quan nhận báo cáo bằng một trong các phương thức sau:

+ Gửi bằng đường bưu điện;

+ Gửi trực tiếp;

+ Gửi qua fax;

+ Gửi qua hệ thống phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu điều tra hình sự dưới dạng file ảnh (định dạng PDF) hoặc file dữ liệu điện tử có chữ ký số.

Có những loại báo cáo về điều tra hình sự nào và cách thức thực hiện ra sao?

Các loại báo cáo về điều tra hình sự theo quy định tại Điều 7 Nghị định 128/2017/NĐ-CP gồm: báo cáo định kỳ; báo cáo về vụ, việc và báo cáo chuyên đề.

(1) Báo cáo định kỳ: theo quy định tại Điều 8 Nghị định 128/2017/NĐ-CP

- Báo cáo định kỳ gồm: 03 tháng, 06 tháng, 09 tháng và báo cáo năm.

- Nội dung của báo cáo định kỳ

+ Tổng hợp, phân tích đánh giá và dự báo tình hình hoạt động của các loại tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

+ Kết quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố;

+ Kết quả công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm;

+ Phương hướng công tác trọng tâm tiếp theo.

- Thời điểm lấy số liệu của báo cáo định kỳ

+ Báo cáo 03 tháng tính từ ngày 01 tháng 10 đến ngày 31 tháng 12 của năm;

+ Báo cáo 06 tháng tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến ngày 31 tháng 3 năm sau;

+ Báo cáo 09 tháng tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến ngày 30 tháng 6 năm sau;

+ Báo cáo năm tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến ngày 30 tháng 9 năm sau.

- Chỉnh lý, bổ sung báo cáo

+ Khi phải chỉnh lý, bổ sung nội dung, số liệu trong báo cáo định kỳ, cơ quan báo cáo có trách nhiệm gửi báo cáo đã được chỉnh lý, bổ sung, kèm theo văn bản giải trình rõ về việc chỉnh lý, bổ sung và phải có chữ ký xác nhận, đóng dấu;

+ Nghiêm cấm việc tự ý tẩy, xóa báo cáo, các biểu mẫu thống kê số liệu kèm theo báo cáo.

(2) Báo cáo về vụ, việc: theo quy định tại Điều 9 Nghị định 128/2017/NĐ-CP

- Báo cáo về vụ, việc quy định trong Nghị định này là các vụ, việc có dấu hiệu làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm; vụ, việc có khiếu kiện kéo dài nhiều năm; vụ, việc có tính chất nhạy cảm, phức tạp liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc vụ, việc khác khi có yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

- Các bộ, ngành quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này có trách nhiệm báo cáo vụ, việc do bộ, ngành mình giải quyết theo thẩm quyền điều tra quy định tại Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân đã yêu cầu.

(3) Báo cáo chuyên đề: theo quy định tại Điều 10 Nghị định 128/2017/NĐ-CP

- Báo cáo chuyên đề là báo cáo sơ kết, tổng kết hoặc tổng hợp, đánh giá và dự báo tình hình hoạt động của các loại tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; kết quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; công tác bắt, giam giữ, điều tra xử lý tội phạm theo từng lĩnh vực.

- Trường hợp báo cáo

+ Theo chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra;

+ Khi có tình hình nổi lên hoặc đánh giá kết quả thực hiện một chủ trương công tác thấy cần sơ kết, tổng kết chuyên đề theo từng lĩnh vực đấu tranh, xử lý tội phạm cụ thể;

+ Khi có yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

- Nội dung báo cáo chuyên đề

+ Tình hình cơ bản và tình hình liên quan đến chuyên đề;

+ Kết quả các mặt công tác đã thực hiện theo chuyên đề (căn cứ đặc điểm tình hình, chương trình, kế hoạch công tác, sự chỉ đạo của cấp trên); đánh giá ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, thực hiện;

+ Dự báo tình hình;

+ Chủ trương, biện pháp tiếp tục thực hiện;

+ Đề xuất, kiến nghị.

- Nơi gửi báo cáo

Các bộ, ngành quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này xây dựng báo cáo chuyên đề gửi Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đồng gửi Bộ Công an để giúp Chính phủ theo dõi, quản lý công tác điều tra hình sự.

Như vậy, đối tượng phải thực hiện chế độ báo cáo về điều tra hình sự bao gồm những tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và những tổ chức, cá nhân khác có liên quan theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện chế độ báo cáo phải tuân thủ theo quy định về nguyên tắc và hình thức thực hiện, nội dung báo cáo phù hợp với từng loại báo cáo theo quy định của pháp luật hiện hành.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

912 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào