Tiền truy thu kinh phí công đoàn có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không?
- Tiền truy thu kinh phí công đoàn có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không?
- Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng bao nhiêu phần trăm quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động?
- Nguồn đóng kinh phí công đoàn được quy định như thế nào?
Tiền truy thu kinh phí công đoàn có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không?
Nội dung này chị căn cứ theo hướng dẫn tại Công văn 1564/TCT-DNL năm 2016 về việc chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp Theo đó:
Tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau:
Điều 6: Các Khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các Khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi Khoản chi nếu đáp ứng đủ các Điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
…
Căn cứ quy định nêu trên, về nguyên tắc Công ty chỉ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN năm 2015 các Khoản chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của năm 2015.
Tuy nhiên, theo nội dung công văn số ACC23022016 ngày 23/02/2016 của Công ty thì năm 2015 Công ty thành lập tổ chức công đoàn theo yêu cầu của Liên Đoàn lao động Quận 1, Công ty đã đóng kinh phí công đoàn năm 2013, năm 2014 theo quy định của Luật Công Đoàn và Nghị định số191/2013/NĐ-CP vào năm 2015. Do Công ty đóng kinh phí công đoàn theo yêu cầu của Liên đoàn Lao Động Quận 1, vì vậy, trường hợp Công ty thực hiện đúng theo quy định của Luật Công Đoàn, Nghị định số 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì phần trích nộp kinh phí công đoàn cho người lao động theo quy định năm 2013, 2014 và năm 2015 được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN năm 2015.
Như vậy khoản truy thu kinh phí đóng theo quy định của Luật Công đoàn 2012 được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Kinh phí công đoàn (Hình từ Internet)
Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng bao nhiêu phần trăm quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn 2012 quy định như sau:
Tài chính công đoàn
Tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:
1. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;
3. Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;
4. Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Do đó, kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Nguồn đóng kinh phí công đoàn được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 191/2013/NĐ-CP quy định như sau:
Nguồn đóng kinh phí công đoàn
1. Đối với cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên, ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ nguồn đóng kinh phí công đoàn và được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.
2. Đối với cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm một phần kinh phí hoạt động thường xuyên, ngân sách nhà nước bảo đảm nguồn đóng kinh phí công đoàn tính theo quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước và được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước. Phần kinh phí công đoàn phải đóng còn lại, đơn vị tự bảo đảm theo quy định tại Khoản 3 và 4 Điều này.
3. Đối với doanh nghiệp và đơn vị có hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, khoản đóng kinh phí công đoàn được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong kỳ.
4. Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị còn lại, khoản đóng kinh phí công đoàn được sử dụng từ nguồn kinh phí hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật.
Nguồn đóng kinh phí công đoàn được quy định như trên.
Đặt câu hỏi
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.