Tiền ký quỹ của người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc sau khi chuyển vào ngân sách nhà nước được chi vào những khoản nào?
- Tiền ký quỹ của người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc sau khi chuyển vào ngân sách nhà nước được chi vào những khoản nào?
- Mức chi từ tiền ký quỹ cho các hoạt động hỗ trợ người lao động làm việc tại Hàn Quốc được quy định ra sao?
- Cơ quan nào có trách nhiệm lập dự toán chi hỗ trợ giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc tại địa phương?
Tiền ký quỹ của người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc sau khi chuyển vào ngân sách nhà nước được chi vào những khoản nào?
Tại Điều 12 Quyết định 12/2020/QĐ-TTg có quy định như sau:
Quản lý và sử dụng tiền ký quỹ
Tiền ký quỹ sau khi chuyển vào ngân sách nhà nước cấp tỉnh được quản lý và sử dụng theo quy định pháp luật ngân sách nhà nước để hỗ trợ chính sách giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bao gồm công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, tập huấn nâng cao năng lực; công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và các hoạt động, chính sách khác tại địa phương.
Chiếu theo quy định này thì tiền ký quỹ của người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc sau khi chuyển vào ngân sách nhà nước được chi vào việc hỗ trợ chính sách giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bao gồm:
- Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, tập huấn nâng cao năng lực;
- Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và các hoạt động, chính sách khác tại địa phương.
Quản lý và sử dụng tiền ký quỹ (hình từ Internet)
Mức chi từ tiền ký quỹ cho các hoạt động hỗ trợ người lao động làm việc tại Hàn Quốc được quy định ra sao?
Tại Điều 13 Quyết định 12/2020/QĐ-TTg quy định về nội dung chi và mức chi như sau:
(1) Chi tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực, sơ kết, tổng kết về việc làm và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí, chế độ hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
(2) Chi thông tin, tuyên truyền về chính sách lao động, việc làm và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
- Chi sản xuất, biên tập, đưa nội dung các chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo in, trang thông tin điện tử, tạp chí);
+ Chi xây dựng, mua, nhân bản và phát hành các sản phẩm truyền thông: Thực hiện theo quy định hiện hành về đấu thầu, trường hợp không đáp ứng các điều kiện đấu thầu thì thực hiện theo phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công;
+ Chi nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, thù lao cho người tham gia thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm, người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm để thông tin, tuyên truyền thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí.
- Chi tổ chức buổi tuyên truyền, tư vấn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài và thân nhân người lao động để vận động người lao động về nước đúng hạn gồm: Thuê chuyên gia tư vấn, thuê địa điểm, bàn ghế, loa đài và các trang thiết bị cần thiết khác, giải khát giữa giờ cho người tham dự; tài liệu phục vụ hoạt động tư vấn, nói chuyện chuyên đề.
+ Mức chi theo thực tế phát sinh và quy định hiện hành của Nhà nước về chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
(3) Chi tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước.
- Tư vấn, cung cấp thông tin lao động, việc làm; tư vấn nghề nghiệp miễn phí cho người lao động;
- Chi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ở trong nước về khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước có nhu cầu thành lập doanh nghiệp.
+ Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định hiện hành về sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
(4) Chi công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá: Nội dung và mức chi theo quy định hiện hành cho công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
- Đối với đoàn công tác kiểm tra, giám sát đánh giá liên ngành, liên cơ quan: Cơ quan, đơn vị chủ trì đoàn công tác chịu trách nhiệm chi phí cho chuyến công tác theo chế độ quy định (tiền tàu xe đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê chỗ ở nơi đến và cước hành lý, tài liệu mang theo để làm việc) cho các thành viên trong đoàn.
+ Để tránh chi trùng lắp, cơ quan, đơn vị chủ trì đoàn công tác thông báo bằng văn bản (trong giấy mời, giấy triệu tập) cho cơ quan, đơn vị cử người đi công tác không phải thanh toán các khoản chi này.
Cơ quan nào có trách nhiệm lập dự toán chi hỗ trợ giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc tại địa phương?
Theo Điều 14 Quyết định 12/2020/QĐ-TTg quy định như sau:
Công tác lập dự toán và quyết toán
1. Hàng năm, căn cứ số tiền ký quỹ đã nộp vào ngân sách nhà nước năm trước và ước thực hiện năm hiện hành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập dự toán chi hỗ trợ giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại địa phương của năm kế hoạch, tổng hợp chung trong dự toán thu, chi ngân sách của cơ quan gửi Sở Tài chính trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quyết toán kinh phí theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước và pháp luật kế toán.
Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan có trách nhiệm lập dự toán chi hỗ trợ giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc tại địa phương.
Lưu ý: Các quy định trên chỉ áp dụng đối với trường hợp người lao động làm việc tại Hàn Quốc theo thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam trong Chương trình Cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.