Tiến hành xử phạt công trình xây dựng trái phép nhưng không xác định được chủ sở hữu công trình thì xử lý như thế nào?

Tôi muốn hỏi về xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, có một công trình trái phép trên đất nghĩa địa, UBND phường muốn tháo dỡ nên đã niêm yết tìm chủ sở hữu nhưng đã quá thời gian niêm yết nhưng không xác định được chủ sở hữu. Như vậy, trường hợp này sẽ tiến hành như phạt vi phạm hành chính như thế nào? Mong được hỗ trợ. Xin cảm ơn.

Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xây dựng trái phép như thế nào?

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính như sau:

- Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

+ Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;

+ Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;

+ Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

+ Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.

Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.

Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020);

+ Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;

+ Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

- Nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính bao gồm:

+ Cá nhân chỉ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc một trong các đối tượng quy định tại các điều 90, 92, 94 và 96 của Luật này;

+ Việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính phải được tiến hành theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

+ Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

+ Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.

Như vậy, xây dựng trái phép là hành vi vi phạm hành chính, do đó, nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính sẽ được áp dụng đối với hành vi xây dựng trái phép và nguyên tắc được quy định như trên.

xây dựng trái phép

Tiến hành xử phạt công trình xây dụng trái phép nhưng không xác định được chủ sở hữu công trình

Xử phạt vi phạm hành chính có bao gồm phá dỡ xây dựng trái phép không?

Căn cứ Điều 30 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012điểm a khoản 73 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép như sau:

"Điều 30. Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép
Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện."

Như vậy, phá dỡ công trình xây dựng trái phép là biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, xử phạt vi phạm hành chính có bao gồm phá dỡ xây dựng trái phép.

Tiến hành xử phạt công trình xây dụng trái phép nhưng không xác định được chủ sở hữu công trình thì xử lý như thế nào?

Căn cứ tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi bởi khoản 33 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) có quy định:

“Điều 65. Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
1. Không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong những trường hợp sau đây:
...
b) Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính;
...
2. Đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó.
Quyết định phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.
Việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản này không bị coi là đã bị xử phạt vi phạm hành chính."

Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 85 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 cũng có quy định thêm:

“Điều 85. Thi hành biện pháp khắc phục hậu quả
...
4. Trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 65 của Luật này hoặc cá nhân chết, mất tích hoặc tổ chức bị giải thể, phá sản mà không có tổ chức nào tiếp nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 75 của Luật này thì cơ quan nơi người có thẩm quyền xử phạt đang thụ lý hồ sơ vụ vi phạm hành chính phải tổ chức thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.
Chi phí cho việc tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định thực hiện được lấy từ nguồn ngân sách dự phòng cấp cho cơ quan đó.”

Như vậy, theo quy định trên trường hợp này sẽ không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng sẽ được ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

4,738 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào