Tiền đặt cọc để tham gia đấu thầu vàng miếng là bao nhiêu? Chậm nhất khi nào phải chuyển tiền đặt cọc?
Tiền đặt cọc để tham gia đấu thầu vàng miếng là bao nhiêu?
Căn cứ khoản 2 Điều 5 Quy trình mua, bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 563/QĐ-NHNN năm 2013 có quy định như sau:
Kiểm tra và thông báo tư cách dự thầu của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp
1. Trong thời hạn 01 (một) giờ kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước bắt đầu tổ chức đấu thầu, Sở Giao dịch kiểm tra tiền đặt cọc của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trên tài khoản theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước và kiểm tra giấy tờ tùy thân của người đại diện giao dịch của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp.
2. Tiền đặt cọc của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp là hợp lệ để tham gia đấu thầu khi tiền đặt cọc lớn hơn hoặc bằng giá trị đặt cọc tính theo công thức: Giá trị đặt cọc = Tỷ lệ đặt cọc x Giá tham chiếu x Khối lượng vàng miếng đặt thầu tối thiểu.
...
Theo đó, pháp luật không quy định cụ thể về số tiền tối thiểu mà tổ chức tín dụng, doanh nghiệp phải đặt cọc để tham gia đấu thầu.
Tuy nhiên, tiền đặt cọc của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được xem là hợp lệ để tham gia đấu thầu phải lớn hơn hoặc bằng giá trị đặt cọc.
Mức tiền đặt cọc sẽ căn cứ vào giá trị đặt cọc tính theo công thức sau:
Giá trị đặt cọc = Tỷ lệ đặt cọc x Giá tham chiếu x Khối lượng vàng miếng đặt thầu tối thiểu. |
Trong đó:
- Tỷ lệ đặt cọc: là tỷ lệ tính bằng phần trăm (%);
- Giá tham chiếu: được tính bằng đơn vị VND/lượng;
- Khối lượng tham chiếu: là khối lượng vàng miếng mua, bán tối thiểu (đối với mua, bán trực tiếp), khối lượng vàng miếng đặt thầu tối thiểu của một tổ chức tín dụng, doanh nghiệp (đối với hình thức đấu thầu);
Hoặc là khối lượng vàng miếng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đăng ký mua, bán (đối với mua, bán trực tiếp) hoặc khối lượng vàng miếng đặt thầu của từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp (đối với hình thức đấu thầu).
Lưu ý: Tỷ lệ đặt cọc, giá tham chiếu và khối lượng tham chiếu do Ngân hàng Nhà nước thông báo trước mỗi lần tổ chức mua bán.
Trong thời hạn 01 (một) giờ kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước bắt đầu tổ chức đấu thầu, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước kiểm tra tiền đặt cọc của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trên tài khoản theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước và kiểm tra giấy tờ tùy thân của người đại diện giao dịch của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp.
Tiền đặt cọc để tham gia đấu thầu vàng miếng là bao nhiêu? Chậm nhất khi nào phải chuyển tiền đặt cọc? (Hình từ Internet)
Khi nào phải chuyển tiền đặt cọc tham gia đấu thầu vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước?
Theo quy định tại Điều 3 Quy trình mua, bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 563/QĐ-NHNN năm 2013 thì chậm nhất trong ngày làm việc liền kề trước ngày Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước gửi thông báo đấu thầu qua fax cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước theo số fax đã đăng ký.
Chậm nhất đến 17 giờ của ngày liền kề trước ngày Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp phải chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản của Ngân hàng Nhà nước theo thông báo đấu thầu (Điều 4 Quy trình mua, bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 563/QĐ-NHNN năm 2013).
Mẫu thông báo đấu thầu vàng miếng được lập theo mẫu tại Phụ lục 1 tại Quy trình mua, bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 563/QĐ-NHNN năm 2013 TẢI VỀ.
Các trường hợp đặc biệt có thể xảy ra trong kết quả đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước bao gồm những trường hợp nào?
Theo Điều 9 Quy trình mua, bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 563/QĐ-NHNN năm 2013 thì trong thời hạn 01 (một) giờ kể từ thời điểm mở thầu, Ngân hàng Nhà nước (Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) thực hiện tổng hợp số liệu đặt thầu, xét thầu và xác định kết quả đấu thầu vàng miếng.
(*) Đối với đấu thầu theo khối lượng
Trong quá trình xét thầu đối với hình thức đấu thầu vàng miếng theo khối lượng có thể xảy ra các kết quả đặc biệt sau:
Trường hợp 1: Trường hợp tổng khối lượng đặt thầu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp dự thầu bằng hoặc thấp hơn tổng khối lượng Ngân hàng Nhà nước dự kiến mua hoặc bán thì khối lượng trúng thầu của từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bằng khối lượng đặt thầu của chính tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đó.
Trường hợp 2: Trường hợp tổng khối lượng đặt thầu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia vượt quá tổng khối lượng Ngân hàng Nhà nước dự kiến mua hoặc bán thì khối lượng trúng thầu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia được xác định theo nguyên tắc từ khối lượng đặt thầu cao nhất xuống thấp cho tới khi Ngân hàng Nhà nước mua hoặc bán được tối đa khối lượng dự kiến mua hoặc bán.
Trường hợp 3: Trường hợp tổng khối lượng đặt thầu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia ở mức khối lượng trúng thầu thấp nhất có nhiều tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đặt mua hoặc bán cùng khối lượng thì khối lượng cần mua, bán còn lại được chia đều cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đó.
Trường hợp 4: Trường hợp khối lượng trúng thầu có lẻ lô thì sẽ được làm tròn xuống chẵn lô.
(*) Đối với đấu thầu theo giá
Nguyên tắc xét thầu là xét theo thứ tự giảm dần từ giá trúng thầu cao nhất cho tới giá trúng thầu thấp nhất mà tại đó Ngân hàng Nhà nước bán được khối lượng tối đa dự kiến bán (trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng).
Hoặc xét theo thứ tự tăng dần từ giá trúng thầu thấp nhất cho tới giá trúng thầu cao nhất mà tại đó Ngân hàng Nhà nước mua được tối đa khối lượng dự kiến mua (trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước đấu thầu mua vàng miếng).
Trong quá trình xét thầu đối với hình thức đấu thầu vàng miếng theo giá có thể xảy ra các kết quả đặc biệt sau:
Trường hợp 1: Trong trường hợp ở mức giá trúng thầu thấp nhất (đối với trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng) hoặc trường hợp ở mức giá trúng thầu cao nhất (đối với trường hợp Ngân hàng Nhà nước mua vàng miếng) có nhiều tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đặt cùng một mức giá thì khối lượng trúng thầu của từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp này sẽ được xác định theo tỷ lệ thuận giữa khối lượng cần mua, bán còn lại và khối lượng đặt thầu của từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đó.
Trường hợp 2: Trong trường hợp khối lượng trúng thầu có lẻ lô thì sẽ được làm tròn xuống chẵn lô.
Trường hợp 3: Giá trúng thầu của từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp là giá đặt thầu của chính tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đó.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.