Tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi nhiều thửa đất liền kề nhau được xác định theo phương pháp gì?
Tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi nhiều thửa đất liền kề nhau được xác định theo phương pháp gì?
Nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất được quy định tại Điều 158 Luật Đất đai 2024 như sau:
Nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất
...
6. Trường hợp và điều kiện áp dụng phương pháp định giá đất được quy định như sau:
...
d) Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất được áp dụng để định giá cụ thể tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thu hồi nhiều thửa đất liền kề nhau, có cùng mục đích sử dụng và đã được quy định giá đất trong bảng giá đất mà không đủ điều kiện để áp dụng phương pháp so sánh.
...
Theo đó, phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất được áp dụng để định giá cụ thể tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thu hồi nhiều thửa đất liền kề nhau, có cùng mục đích sử dụng và đã được quy định giá đất trong bảng giá đất mà không đủ điều kiện để áp dụng phương pháp so sánh.
Lưu ý:
Việc định giá đất để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thu hồi nhiều thửa đất liền kề nhau phải bảo đảm các nguyên tắc theo quy định tại khoản 1 Điều 158 Luật Đất đai 2024 sau đây:
- Phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường;
- Tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất;
- Bảo đảm trung thực, khách quan, công khai, minh bạch;
- Bảo đảm tính độc lập giữa tổ chức tư vấn xác định giá đất, Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định giá đất;
- Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi nhiều thửa đất liền kề nhau được xác định theo phương pháp gì? (Hình từ Internet)
Thay đổi quyền đối với thửa đất liền kề có phải đăng ký biến động đất đai không?
Đăng ký biến động được quy định tại Điều 133 Luật Đất đai 2024 như sau:
Đăng ký biến động
1. Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà có thay đổi sau đây:
...
l) Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền đối với thửa đất liền kề;
...
Theo đó, trường hợp có sự thay đổi quyền đối với thửa đất liền kề phải thực hiện đăng ký biến đổi đất đai.
Lưu ý:
- Trường hợp đăng ký biến động đất đai nêu trên được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trên giấy chứng nhận đã cấp hoặc cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu.
- Trường hợp đăng ký biến động khi có sự thay đổi quyền đối với thửa đất liền thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải đăng ký biến động tại cơ quan có thẩm quyền;
+ Trường hợp thi hành án thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày bàn giao tài sản thi hành án, tài sản bán đấu giá;
+ Trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Quyền đối với thửa đất liền kề bao gồm những quyền nào?
Quyền đối với thửa đất liền kề được quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Đất đai 2024 như sau:
Quyền đối với thửa đất liền kề
1. Quyền đối với thửa đất liền kề bao gồm quyền về lối đi; cấp nước, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác; cấp khí ga; lắp đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác theo quy định của pháp luật.
2. Việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền đối với thửa đất liền kề thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự; đồng thời phải thực hiện đăng ký theo quy định tại Điều 133 của Luật này đối với trường hợp quyền về lối đi; cấp nước, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác.
Theo đó, quyền đối với thửa đất liền kề bao gồm:
+ Quyền về lối đi;
+ Cấp nước, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác;
+ Cấp khí ga;
+ Lắp đường dây tải điện, thông tin liên lạc;
+ Các nhu cầu cần thiết khác theo quy định của pháp luật.
Việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền đối với thửa đất liền kề thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự; đồng thời phải thực hiện đăng ký theo quy định tại Điều 133 Luật Đất đai 2024 đối với trường hợp quyền về lối đi; cấp nước, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác.
Lưu ý:
Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ 01/08/2024), trừ các trường hợp sau:
- Điều 190 Luật Đất đai 2024 và Điều 248 Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2024.
- Việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất được tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị quyết 61/2022/QH15 về tiếp tục tăng, cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.
- Khoản 9 Điều 60 Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày Nghị quyết 61/2022/QH15 hết hiệu lực.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.