Thương nhân nước ngoài có được thành lập nhiều Văn phòng đại diện không? Điều kiện để được cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện là gì?
Thương nhân nước ngoài có được thành lập nhiều Văn phòng đại diện không?
Căn cứ Điều 3 Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định về quyền thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam như sau:
Quyền thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
1. Thương nhân nước ngoài được thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam theo cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2. Một thương nhân nước ngoài không được thành lập nhiều hơn một Văn phòng đại diện hoặc Chi nhánh có cùng tên gọi trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo quy định trên, thương nhân nước ngoài được thành lập Văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam theo cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Và thương nhân nước ngoài được thành lập nhiều Văn phòng đại diện. Tuy nhiên thương nhân nước ngoài không được thành lập nhiều hơn một Văn phòng đại diện có cùng tên gọi trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Văn phòng đại diện (Hình từ Internet)
Điều kiện để được cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện là gì?
Theo Điều 7 Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện như sau:
Điều kiện cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện
Thương nhân nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện khi đáp ứng các điều kiện sau:
1. Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;
2. Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 01 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;
3. Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;
4. Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện phải phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
5. Trường hợp nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Văn phòng đại diện phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành (sau đây gọi chung là Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành).
Theo đó, điều kiện để được cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện là những điều kiện được quy định tại Điều 7 nêu trên.
Trong đó có điều kiện thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận.
Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện có thời hạn trong bao lâu?
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 07/2016/NĐ-CP về thời hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh như sau:
Thời hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh
1. Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài có thời hạn 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài trong trường hợp giấy tờ đó có quy định về thời hạn.
2. Thời hạn của Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh được cấp lại bằng thời hạn của Giấy phép đã được cấp trước đó.
3. Thời hạn của Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh được gia hạn thực hiện như quy định tại Khoản 1 Điều này.
Như vậy, Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài có thời hạn 05 năm.
Tuy nhiên thời hạn này không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài trong trường hợp giấy tờ đó có quy định về thời hạn.
Và thời hạn của Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện được cấp lại bằng thời hạn của Giấy phép đã được cấp trước đó.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.