Thuốc thử lâm sàng phải bảo đảm những yêu cầu nào? Những loại thuốc nào phải thử lâm sàng đầy đủ các giai đoạn?
Thuốc thử lâm sàng phải bảo đảm những yêu cầu nào?
Căn cứ Điều 88 Luật Dược 2016 quy định về yêu cầu đối với thuốc thử lâm sàng như sau:
Yêu cầu đối với thuốc thử lâm sàng
1. Thuốc thử lâm sàng phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Đã được nghiên cứu ở giai đoạn tiền lâm sàng;
b) Có dạng bào chế ổn định;
c) Đạt tiêu chuẩn chất lượng theo hồ sơ đăng ký thử lâm sàng.
2. Nhãn thuốc thử lâm sàng phải ghi dòng chữ “Thuốc dùng cho thử lâm sàng. Cấm dùng cho mục đích khác.
Theo quy định trên, thuốc thử lâm sàng phải bảo đảm đã được nghiên cứu ở giai đoạn tiền lâm sàng; có dạng bào chế ổn định; và đạt chuẩn chất lượng theo hồ sơ đăng ký thử lâm sàng.
Đồng thời nhãn thuốc thử lâm sàng phải ghi dòng chữ “Thuốc dùng cho thử lâm sàng. Cấm dùng cho mục đích khác."
Thuốc thử lâm sàng (Hình từ Internet)
Những loại thuốc nào phải thử lâm sàng đầy đủ các giai đoạn?
Theo Điều 89 Luật Dược 2016 quy định về thuốc phải thử lâm sàng, thuốc miễn thử lâm sàng hoặc miễn một số giai đoạn thử lâm sàng khi đăng ký lưu hành thuốc như sau:
Thuốc phải thử lâm sàng, thuốc miễn thử lâm sàng hoặc miễn một số giai đoạn thử lâm sàng khi đăng ký lưu hành thuốc
1. Thuốc phải thử lâm sàng đầy đủ các giai đoạn trong trường hợp sau đây:
a) Thuốc mới, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều này;
b) Thuốc dược liệu có sự kết hợp mới của dược liệu đã từng sử dụng làm thuốc tại Việt Nam và có chỉ định đối với các bệnh thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều này;
c) Vắc xin lần đầu tiên đăng ký lưu hành tại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.
2. Thuốc được miễn một số giai đoạn thử lâm sàng trong trường hợp sau đây:
a) Thuốc mới đã được cấp phép lưu hành tại ít nhất một nước trên thế giới nhưng chưa có đầy đủ dữ liệu lâm sàng về an toàn, hiệu quả;
b) Thuốc dược liệu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều này;
c) Vắc xin đã được cấp phép lưu hành tại ít nhất một nước trên thế giới và có dữ liệu lâm sàng về an toàn, hiệu quả.
3. Thuốc được miễn thử lâm sàng trong trường hợp sau đây:
a) Thuốc generic;
b) Thuốc mới đã được cấp phép lưu hành tại ít nhất một nước trên thế giới và có đầy đủ dữ liệu lâm sàng về an toàn, hiệu quả, trừ vắc xin;
c) Thuốc dược liệu đã được cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc trước ngày Luật này có hiệu lực, trừ thuốc có chỉ định đối với các bệnh thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
4. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết yêu cầu về dữ liệu lâm sàng để bảo đảm an toàn, hiệu quả và tiêu chí để xác định trường hợp miễn thử, miễn một số giai đoạn thử thuốc trên lâm sàng tại Việt Nam và thuốc phải yêu cầu thử lâm sàng giai đoạn 4.
Theo đó, thuốc phải thử lâm sàng đầy đủ các giai đoạn gồm những loại thuốc sau:
+ Thuốc mới, trừ thuốc mới đã được cấp phép lưu hành tại ít nhất một nước trên thế giới và có đầy đủ dữ liệu lâm sàng về an toàn, hiệu quả (trừ vắc xin)
+ Thuốc dược liệu có sự kết hợp mới của dược liệu đã từng sử dụng làm thuốc tại Việt Nam và có chỉ định đối với các bệnh thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 89 nêu trên.
+ Vắc xin lần đầu tiên đăng ký lưu hành tại Việt Nam, trừ vắc xin đã được cấp phép lưu hành tại ít nhất một nước trên thế giới và có dữ liệu lâm sàng về an toàn, hiệu quả.
Tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng có những quyền và trách nhiệm nào?
Theo quy định tại Điều 92 Luật Dược 2016 về quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng như sau:
Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng
1. Tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng có các quyền sau đây:
a) Lựa chọn tổ chức đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất và cán bộ chuyên môn để thử thuốc;
b) Sở hữu toàn bộ kết quả nghiên cứu của thuốc thử lâm sàng.
2. Tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng có các trách nhiệm sau đây:
a) Bồi thường thiệt hại cho người tham gia thử thuốc trên lâm sàng nếu có rủi ro xảy ra do thử thuốc theo quy định của pháp luật;
b) Ký kết hợp đồng về việc thử thuốc trên lâm sàng với cơ sở nhận thử thuốc;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng và tính an toàn của thuốc do mình cung cấp.
Như vậy, tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng có những quyền và trách nhiệm được quy định tại Điều 92 nêu trên.
Trong đó có quyền lựa chọn tổ chức đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất và cán bộ chuyên môn để thử thuốc.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.