Thừa phát lại trong thời gian hướng dẫn không được thực hiện những hành vi nào đối với người tập sự của mình?
- Thừa phát lại có thể hướng dẫn tối đa bao nhiêu người tập sự trong cùng một khoảng thời gian?
- Thừa phát lại trong thời gian hướng dẫn thì không được thực hiện những hành vi nào đối với người tập sự của mình?
- Thừa phát lại sẽ bị xử lý kỷ luật như thế nào khi vi phạm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong thời gian hướng dẫn người tập sự?
Thừa phát lại có thể hướng dẫn tối đa bao nhiêu người tập sự trong cùng một khoảng thời gian?
Căn cứ Điều 9 Thông tư 05/2020/TT-BTP quy định về điều kiện đối với người hướng dẫn tập sự hành nghề Thừa phát lại như sau:
Điều kiện nhận, hướng dẫn tập sự hành nghề Thừa phát lại
1. Văn phòng Thừa phát lại nhận tập sự phải có Thừa phát lại đáp ứng đủ điều kiện hướng dẫn tập sự theo quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Thừa phát lại hướng dẫn tập sự phải có ít nhất 02 năm kinh nghiệm hành nghề Thừa phát lại. Thừa phát lại bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề Thừa phát lại thì sau 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính mới được hướng dẫn tập sự hành nghề Thừa phát lại. Trong cùng một thời gian, 01 Thừa phát lại không được hướng dẫn nhiều hơn 03 người tập sự.
3. Thừa phát lại từ chối hướng dẫn tập sự trong trường hợp không đủ điều kiện hướng dẫn tập sự theo quy định tại khoản 2 Điều này; thuộc trường hợp quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều 10 của Thông tư này; bị tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại; vì lý do sức khỏe hoặc lý do khách quan khác.
Thừa phát lại từ chối hướng dẫn tập sự theo quy định tại khoản này phải thông báo bằng văn bản cho Văn phòng Thừa phát lại nhận tập sự. Văn phòng Thừa phát lại nhận tập sự phân công một Thừa phát lại khác đủ điều kiện hướng dẫn tập sự; trường hợp Văn phòng Thừa phát lại không có Thừa phát lại khác đủ điều kiện hướng dẫn tập sự thì phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Văn phòng Thừa phát lại, Sở Tư pháp chỉ định một Văn phòng Thừa phát lại khác nhận tập sự; trường hợp không có Văn phòng Thừa phát lại đủ điều kiện nhận tập sự thì thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do cho người tập sự.
Theo quy định trên thì trong cùng một khoảng thời gian thì 01 Thừa phát lại chỉ được hướng dẫn tối đa 03 người tập sự:
Thừa phát lại hướng dẫn tập sự phải có ít nhất 02 năm kinh nghiệm hành nghề Thừa phát lại.
Nếu Thừa phát lại bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề Thừa phát lại thì sau 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính mới được hướng dẫn tập sự hành nghề Thừa phát lại.
Thừa phát lại trong thời gian hướng dẫn thì không được thực hiện những hành vi nào đối với người tập sự của mình? (Hình từ Internet)
Thừa phát lại trong thời gian hướng dẫn thì không được thực hiện những hành vi nào đối với người tập sự của mình?
Căn cứ Điều 12 Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BTP quy định về quan hệ với người tập sự hành nghề Thừa phát lại như sau:
Quan hệ với người tập sự hành nghề Thừa phát lại
1. Thừa phát lại có bổn phận tham gia vào công tác hướng dẫn tập sự hành nghề Thừa phát lại; nêu cao trách nhiệm, tận tâm truyền đạt kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm nghề nghiệp, đối xử tôn trọng, đúng mực với người tập sự hành nghề Thừa phát lại.
2. Khi hướng dẫn tập sự, Thừa phát lại không được thực hiện những hành vi sau:
a) Phân biệt đối xử với những người tập sự do mình hướng dẫn.
b) Đòi hỏi lợi ích vật chất, tiền bạc, lợi ích khác từ người tập sự.
c) Thông đồng với người tập sự để báo cáo sai sự thật, thiếu chính xác về kết quả tập sự.
d) Lợi dụng tư cách là người hướng dẫn tập sự để buộc người tập sự phải làm những việc không thuộc phạm vi tập sự hoặc những hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội nhằm đạt được những lợi ích cho mình.
Như vậy, trong thời gian hướng dẫn thì Thừa phát lại không được thực hiện những hành vi sau đối với người tập sự:
(1) Phân biệt đối xử với những người tập sự do mình hướng dẫn.
(2) Đòi hỏi lợi ích vật chất, tiền bạc, lợi ích khác từ người tập sự.
(3) Thông đồng với người tập sự để báo cáo sai sự thật, thiếu chính xác về kết quả tập sự.
(4) Lợi dụng tư cách là người hướng dẫn tập sự để buộc người tập sự phải làm những việc không thuộc phạm vi tập sự hoặc những hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội nhằm đạt được những lợi ích cho mình.
Thừa phát lại sẽ bị xử lý kỷ luật như thế nào khi vi phạm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong thời gian hướng dẫn người tập sự?
Căn cứ Điều 18 Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BTP quy định về việc xử lý vi pham như sau:
Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Thừa phát lại gương mẫu trong thực hiện Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại thì được Nhà nước và xã hội ghi nhận, vinh danh.
2. Thừa phát lại thực hiện không đúng Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình, khiển trách, xử lý kỷ luật theo nội quy, quy chế của Văn phòng Thừa phát lại, điều lệ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại (nếu có); bị xử phạt hành chính; trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì bị miễn nhiệm hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.
Theo đó, nếu vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm đối với người tập sự thì theo tính chất, mức độ vi phạm Thừa phát lại sẽ bị nhắc nhở, phê bình, khiển trách, xử lý kỷ luật theo nội quy, quy chế của Văn phòng Thừa phát lại, điều lệ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại (nếu có).
Bên cạnh đó, Thừa phát lại còn có thể bị xử phạt hành chính nếu vi phạm quy định. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì bị miễn nhiệm hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.