Thủ tục sáp nhập doanh nghiệp bảo hiểm được thực hiện như thế nào? Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm sáp nhập thì hợp đồng bảo hiểm xử lý thế nào?
Thủ tục sáp nhập doanh nghiệp bảo hiểm được thực hiện như thế nào?
Theo Điều 22 Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định về việc sáp nhập doanh nghiệp bảo hiểm như sau:
* Về điều kiện tiến hành sáp nhập:
Việc sáp nhập doanh nghiệp bảo hiểm phải bảo đảm:
- Không gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, người lao động và Nhà nước;
- Tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan;
- Có sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính (không áp dụng đối với trường hợp chuyển nhượng dưới 10% vốn điều lệ);
- Tổ chức, cá nhân dự kiến góp vốn vào doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm sau khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9 Nghị định này (tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp);
- Doanh nghiệp bảo hiểm hình thành sau khi sáp nhập phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9 Nghị định này (tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp được thành lập sau khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp).
* Hồ sơ đề nghị sáp nhập bao gồm:
- Văn bản đề nghị được sáp nhập theo mẫu do Bộ Tài chính quy định;
- Văn bản chấp thuận của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều lệ công ty (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) về việc sáp nhập;
- Báo cáo về phương án phân chia, xử lý hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực, nghĩa vụ nợ, nghĩa vụ với Nhà nước, cam kết với người lao động khi sáp nhập doanh nghiệp bảo hiểm;
- Danh sách cổ đông (hoặc thành viên) góp vốn, vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm hình thành sau khi sáp nhập;
- Bản sao công chứng hợp đồng nguyên tắc về sáp nhập (trừ trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm là công ty cổ phần niêm yết và đại chúng);
- Ý kiến của cơ quan thẩm định giá, trong đó nêu rõ việc xác định tỷ lệ chuyển đổi cổ phần hoặc định giá phần vốn góp (đối với trường hợp hợp nhất, sáp nhập);
- Bản sao công chứng báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho 03 năm liền kề trước năm đề nghị sáp nhập của tổ chức sáp nhập đối với doanh nghiệp bảo hiểm;
- Các tài liệu chứng minh tổ chức, cá nhân góp vốn, người quản trị điều hành và doanh nghiệp bảo hiểm dự kiến được thành lập sau khi sáp nhập đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều này;
- Doanh nghiệp bảo hiểm là công ty cổ phần niêm yết và đại chúng không phải nộp các tài liệu quy định tại điểm d, điểm đ và điểm h Điều này.
* Trình tự thực hiện hồ sơ đề nghị sáp nhập:
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận. Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính có văn bản giải thích rõ lý do.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc sáp nhập theo phương án đã được chấp thuận, doanh nghiệp bảo hiểm phải báo cáo Bộ Tài chính kết quả thực hiện. Doanh nghiệp bảo hiểm là công ty cổ phần niêm yết và đại chúng nộp các tài liệu quy định tại điểm d, điểm đ và điểm h khoản 1 Điều này. Trường hợp không thực hiện được phương án đã được chấp thuận, doanh nghiệp bảo hiểm phải báo cáo Bộ Tài chính phương án xử lý.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo và các tài liệu kèm theo của doanh nghiệp bảo hiểm về kết quả thực hiện phương án sáp nhập, Bộ Tài chính cấp Giấy phép hoặc Giấy phép điều chỉnh.
Thủ tục sáp nhập doanh nghiệp bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm được chuyển giao hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp nào?
Theo Điều 74 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 quy định về các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm đươc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm, bao gồm:
- Doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán;
- Doanh nghiệp bảo hiểm chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể;
- Theo thoả thuận giữa các doanh nghiệp bảo hiểm.
Căn cứ quy định trên, trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm tiến hành sáp nhập thì hợp đồng bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm có thể được chuyển giao.
Điều kiện và thủ tục chuyển giao hợp đồng bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm được quy định như thế nào?
* Hợp đồng bảo hiểm muốn thực hiện chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 75 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 như sau:
- Doanh nghiệp bảo hiểm nhận chuyển giao đang kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm được chuyển giao;
- Các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao không thay đổi cho đến khi hết thời hạn hợp đồng bảo hiểm;
- Việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm phải kèm theo việc chuyển giao các quỹ và dự phòng nghiệp vụ liên quan đến toàn bộ hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao.
* Thủ tục chuyển giao hợp đồng bảo hiểm được quy định tại Điều 76 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 như sau:
- Doanh nghiệp bảo hiểm chuyển giao hợp đồng bảo hiểm phải có đơn đề nghị chuyển giao hợp đồng bảo hiểm gửi Bộ Tài chính nêu rõ lý do, kế hoạch chuyển giao, kèm theo hợp đồng chuyển giao. Việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm chỉ được tiến hành sau khi đã được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản;
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Bộ Tài chính chấp thuận việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp chuyển giao hợp đồng bảo hiểm phải công bố về việc chuyển giao và thông báo cho bên mua bảo hiểm bằng văn bản.
Như vậy, việc doanh nghiệp bảo hiểm tiến hành sáp nhập phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục sáp nhập đối với doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đó, trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện sáp nhập thì hợp đồng bảo hiểm của doanh nghiệp có thể được chuyển giao nếu đáp ứng điều kiện chuyển giao theo quy định của pháp luật
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.