Thủ tục đăng ký danh mục miễn thuế cho máy móc thiết bị nhập khẩu (đối với dự án đầu tư) được thực hiện như thế nào?
Các trường hợp nào phải đăng ký danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu miễn thuế?
Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 104 Thông tư 38/2015/TT-BTC thì những trường hợp sau đây có thể đăng ký danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu, bao gồm:
(1) Hàng hoá nêu tại khoản 1, khoản 4 và khoản 5 Điều 12 Quyết định 72/2013/QĐ-TTg và các khoản 7, khoản 8, khoản 9, khoản 10, khoản 11, khoản 12, khoản 13, khoản 14, khoản 15, khoản 16 và khoản 18, khoản 21 Điều 103 Thông tư 38/2015/TT-BTC này.
(2) Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu miễn thuế phải phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực đầu tư, mục tiêu, quy mô, công suất của dự án được xây dựng một lần cho cả dự án, hoặc xây dựng từng giai đoạn thực hiện dự án, từng hạng mục công trình của dự án (nếu tại Giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc luận chứng kinh tế kỹ thuật, các tài liệu khoa học kỹ thuật của dự án,… thể hiện dự án thực hiện theo từng giai đoạn hoặc theo từng hạng mục công trình), hoặc xây dựng theo từng tổ hợp, dây chuyền nếu hàng hoá là hệ thống tổ hợp dây chuyền thiết bị, máy móc.
Trường hợp danh mục đã đăng ký cho cả dự án hoặc cho từng giai đoạn, cho từng hạng mục, công trình, tổ hợp, dây chuyền có sai sót hoặc cần thay đổi thì người khai hải quan được sửa đổi với điều kiện phải có chứng từ, tài liệu nộp cho cơ quan hải quan trước thời điểm nhập khẩu hàng hoá để chứng minh việc bổ sung, điều chỉnh là phù hợp với nhu cầu của dự án.
Ai sẽ là người đăng ký danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu miễn thuế?
Người đăng ký danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu miễn thuế được quy định tại khoản 3 Điều 104 Thông tư 38/2015/TT-BTC như sau:
Tổ chức, cá nhân sử dụng hàng hóa (chủ dự án, chủ cơ sở đóng tàu,…) là người đăng ký danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu miễn thuế (theo Mẫu 13/ĐKDMMT/TXNK Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này đối với trường hợp đăng ký danh mục miễn thuế bản giấy). Trường hợp chủ dự án không trực tiếp nhập khẩu hàng hoá miễn thuế mà nhà thầu chính hoặc nhà thầu phụ hoặc công ty cho thuê tài chính nhập khẩu hàng hóa thì nhà thầu, công ty cho thuê tài chính sử dụng danh mục miễn thuế do chủ dự án đã đăng ký với cơ quan hải quan.
Thủ tục đăng ký miễn danh mục thuế
Thực hiện đăng ký danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu miễn thuế ở đâu?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 104 Thông tư 38/2015/TT-BTC thì nơi đăng ký được quy định như sau:
Cục Hải quan nơi thực hiện dự án đầu tư đối với dự án xác định được Cục Hải quan nơi thực hiện dự án đầu tư hoặc Cục Hải quan nơi đóng trụ sở chính đối với dự án không xác định được Cục Hải quan nơi thực hiện dự án đầu tư hoặc Cục Hải quan gần nhất đối với tỉnh, thành phố không có cơ quan hải quan. Cục trưởng Cục Hải quan lựa chọn và giao cho một đơn vị có đủ khả năng thực hiện đăng ký danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu miễn thuế.
Trường hợp Cục Hải quan quản lý hải quan đối với một số tỉnh thì ngoài đơn vị đăng ký Danh mục nêu trên, Cục trưởng Cục Hải quan xem xét quyết định giao Chi cục Hải quan quản lý hải quan trên địa bàn tỉnh nơi có dự án đầu tư thực hiện đăng ký danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu miễn thuế đối với các dự án thuộc địa bàn tỉnh đó.
Hồ sơ đăng ký bao gồm những gì?
Theo quy định tại khoản 5 Điều 104 Thông tư 38/2015/TT-BTC thì khi thực hiện đăng ký danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu miễn thuế với cơ quan hải quan, người đăng ký danh mục hàng hóa nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan hồ sơ gồm :
- Công văn đề nghị đăng ký danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu miễn thuế, nêu rõ số hàng hoá, lý do đề nghị miễn thuế theo ban hành kèm theo Thông tư này (Mẫu 14/CVĐKDMMT/TXNK Phụ lục VI ban hành kèm Thông tư này): nộp 01 bản chính;
- Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được miễn thuế đối với trường hợp không đăng ký danh mục trên Hệ thống: nộp 02 bản chính kèm theo 01 phiếu theo dõi trừ lùi (theo Mẫu 15/PTDTL/TXNK phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này).
Căn cứ để người khai hải quan kê khai, đăng ký danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu miễn thuế với cơ quan hải quan theo khoản 6 Điều 104 Thông tư 38/2015/TT-BTC gồm:
- Lĩnh vực được ưu đãi về thuế nhập khẩu hoặc địa bàn được ưu đãi thuế nhập khẩu thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan;
- Các danh mục hàng hóa do cơ quan có thẩm quyền ban hành, tùy theo từng trường hợp cụ thể sau đây:
+ Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
+ Danh mục hoặc tiêu chuẩn xác định phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ;
+ Danh mục giống cây trồng, vật nuôi được phép nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
+ Danh mục các nhóm trang thiết bị chỉ được miễn thuế nhập khẩu lần đầu quy định tại Phụ lục II và Điều 12 Nghị định 87/2010/NĐ-CP;
+ Danh mục hoặc tiêu chuẩn xác định của Bộ Khoa học và Công nghệ đối với phương tiện vận tải chuyên dùng cần thiết cho hoạt động dầu khí;
+ Xác nhận của Bộ Y tế đối với trang thiết bị y tế và thuốc cấp cứu sử dụng trên các giàn khoan và công trình nổi;
+ Danh mục hoặc tiêu chuẩn xác định của Bộ Khoa học và Công nghệ đối với hàng hoá là phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ để tạo tài sản cố định của cơ sở đóng tàu;
+ Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư, phương tiện vận tải, công nghệ sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước đã sản xuất được để làm cơ sở xác định hàng hóa phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.
Trên đây là các thủ tục cần thiết để bạn có thể đăng ký danh mục miễn thuế xuất nhập khẩu cho máy móc thiết bị nhập khẩu của công ty bạn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.