Thủ tục đăng ký bảo hộ Logo công ty, Tên sản phẩm, và icon nhận dạng thương hiệu được quy định như thế nào?

Bên anh có nhu cầu bảo hộ Logo công ty, Tên sản phẩm, và icon nhận dạng thương hiệu (chỉ những dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các cơ sở với nhau). Ban tư vấn có thể hướng dẫn thủ tục thực hiện, địa chị gửi công văn đăng ký, và chi phí cho 03 hạng mục trên? Mong sớm nhận được phản hồi, xin cảm ơn!

Logo công ty và icon nhận dạng có phải là loại hình được bảo hộ quyền tác giả không?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009, điểm a khoản 82 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 (Có hiệu lực từ 01/01/2023), quy định về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, cụ thể như sau:

- Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

+ Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

+ Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

+ Tác phẩm báo chí;

+ Tác phẩm âm nhạc;

+ Tác phẩm sân khấu;

+ Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);

+ Tác phẩm mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng;

+ Tác phẩm nhiếp ảnh;

+Tác phẩm kiến trúc;

+ Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;

+ Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;

+ Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

Trước đây quy định về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả tại khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 như sau:

Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

c) Tác phẩm báo chí;

d) Tác phẩm âm nhạc;

đ) Tác phẩm sân khấu;

e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);

g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;

h) Tác phẩm nhiếp ảnh;

i) Tác phẩm kiến trúc;

k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;

l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;

m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

...

Theo khoản 8 Điều 6 Nghị định 17/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 26/04/2023) quy định về tác phẩm mỹ thuật ứng dụng như sau:

Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả
...
8. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp bao gồm: Thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, bộ nhận diện và bao bì sản phẩm; hình thức thể hiện của nhân vật); thiết kế thời trang; thiết kế mang tính mỹ thuật gắn liền với tạo dáng sản phẩm; thiết kế nội thất, trang trí nội thất, ngoại thất mang tính mỹ thuật. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được thể hiện dưới dạng tạo dáng sản phẩm mang tính mỹ thuật, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực tương ứng và không bao gồm tạo dáng bên ngoài của sản phẩm bắt buộc phải có để thực hiện chức năng của sản phẩm.
...

Như vậy, logo công ty và icon nhận dạng của công ty được xem là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp nên đây được xem là loại hình được bảo hộ quyền tác giả.

Trước đây, quy định tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng tại Điều 13 Nghị định 22/2018/NĐ-CP (Hết hiệu lực từ 26/04/2023), cụ thể:

Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng

1. Tác phẩm tạo hình quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục như: Hội họa, đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và các hình thức thể hiện tương tự, tồn tại dưới dạng độc bản. Riêng đối với loại hình đồ họa, có thể được thể hiện tới phiên bản thứ 50, được đánh số thứ tự có chữ ký của tác giả.

2. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp như: Thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, hệ thống nhận diện và bao bì sản phẩm), thiết kế thời trang, tạo dáng sản phẩm, thiết kế nội thất, trang trí.

Tại sao cần phải đăng ký quyền tác giả?

Việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với Logo công ty, Tên sản phẩm, và icon nhận dạng thương hiệu là một việc làm cần thiết nhằm giúp nhận diện, phân biệt hàng hóa, dịch vụ của công ty với công ty khác. Hiện nay, việc đăng ký bản quyền logo công ty và icon nhận dạng thương hiệu có thể thực hiện dưới hình thức đăng ký quyền tác giả. Và Logo công ty, Tên sản phẩm, và icon nhận dạng thương hiệu đều có thể thực hiện dưới hình thức đăng ký nhãn hiệu. Anh có thể lựa chọn một trong hai hình thức này để đăng ký hoặc có thể đăng ký bằng cả hai hình thức để có được phạm vi bảo hộ tốt nhất:

- Đăng ký nhãn hiệu sẽ được bảo hộ cả về mặt ngữ nghĩa, cách trình bày, màu sắc,... Đây là biện pháp bảo hộ rất mạnh vì nếu như có một người khác sử dụng nội dung tương tự của anh, hành vi sử dụng đó sẽ bị coi là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của anh. Tuy nhiên, hạn chế của biện pháp này là anh chỉ được bảo hộ trong phạm vi sản phẩm, dịch vụ mà anh đăng ký, chính vì vậy anh cần tiến hành thêm việc bảo hộ quyền tác giả nếu được.

- Đăng ký bảo hộ quyền tác giả: anh sẽ được bảo hộ trong tất cả các lĩnh vực. Bất cứ ai muốn sử dụng Logo/icon đó trong lĩnh vực nào đều phải nhận đươc sự đồng ý của anh. Tuy nhiên, mức độ bảo hộ cho quyền tác giả yếu hơn nhãn hiệu vì chỉ khi một người sử dụng Logo/icon giống hệt Logo/icon của anh hoặc giống đến mức tối đa, người đó mới bị vi phạm bản quyền của anh. Chính vì vậy, anh nên tiến hành đăng ký đồng thời cả hai thủ tục.

Thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 quy định quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Doanh nghiệp là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả thông qua hình thức nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

Hồ sơ đăng ký quyền tác giả bao gồm:

Căn cứ theo Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Điều 2 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009, được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 (Có hiệu lực từ 01/01/2023) thì hồ sơ đăng ký quyền tác giả gồm những tài liệu sau:

+ Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan.

+ Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan.

+ Giấy ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan là người được ủy quyền (phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng ngôn ngữ khác thì phải được dịch ra tiếng Việt).

+ Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền do tự sáng tạo hoặc do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao quyền (phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng ngôn ngữ khác thì phải được dịch ra tiếng Việt).

+ Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả (phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng ngôn ngữ khác thì phải được dịch ra tiếng Việt).

+ Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung (phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng ngôn ngữ khác thì phải được dịch ra tiếng Việt).

Trước đó, quy định về đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Điều 2 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 như sau:

Đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan

1. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

2. Đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm:

a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan;

b) Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;

c) Giấy uỷ quyền, nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền;

d) Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;

đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.

3. Các tài liệu quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều này phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt.

Nơi nộp hồ sơ:

Theo khoản 8 Điều 38 Nghị định 17/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 26/04/2023) quy định về nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan như sau:

Nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan
...
8. Hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan được nộp theo cách thức trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến cho cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Như vậy nơi nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan được nộp theo cách thức trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến cho cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trước đây, quy định thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan Điều 34 Nghị định 22/2018/NĐ-CP (Hết hiệu lực từ 26/04/2023) như sau:

Thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan

1. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng). Hồ sơ có thể gửi qua đường bưu điện.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm, chương trình biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều 13 và Điều 17 của Luật sở hữu trí tuệ trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng).

Thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu?

Thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu?

* Doanh nghiệp được quyền đăng ký nhãn hiệu trong các trường hợp sau đây:

- Doanh nghiệp có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.

- Doanh nghiệp tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.

- Doanh nghiệp là tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

- Doanh nghiệp có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

- Hai hoặc nhiều doanh nghiệp có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện sau:

+ Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hoá, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh;

+ Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ.

* Thủ tục đăng ký nhãn hiệu

Căn cứ theo các quy định tại: Điều 100, Điều 105, Điều 136 Luật Sở hữu trí tuệ 2005; Điều 119 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009; Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ; Thông tư 05/2013/TT-BKHCNThông tư 16/2016/TT-BKHCN.

Thủ tục đăng ký nhãn hiệu bao gồm:

- Tra cứu sơ bộ:

Trước khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp cần phải thực hiện việc tra cứu nhãn hiệu một cách chính xác. Việc này nhằm đánh giá được khả năng đăng ký nhãn hiệu của doanh nghiệp, tức là nhãn hiệu mà doanh nghiệp dự định đăng ký có bị trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của một người nào khác đã đăng ký tại Việt Nam cho cùng loại sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự hay chưa.

Ngoài ra, việc tiến hành tra cứu khả năng đăng ký nhãn hiệu còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí khi đăng ký và giảm thiểu rủi ro.

Doanh nghiệp có thể trực tiếp tra cứu thông tin về các nhãn hiệu đã có chủ sở hữu hoặc đã được nộp đơn đăng ký từ các nguồn sau đây:

+ Công báo Sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ phát hành hàng tháng;

+ Đăng bạ quốc gia và Đăng bạ quốc tế về nhãn hiệu hàng hoá (lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ);

+ Cơ sở dữ liệu điện tử về nhãn hiệu hàng hoá công bố trên mạng Internet tại địa chỉ: http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WSearch.php.

Doanh nghiệp cũng có thể sử dụng dịch vụ tra cứu thông tin của một đại diện sở hữu công nghiệp.

- Nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu

Sau khi thực hiện việc tra cứu sơ bộ, nếu kết quả cho thấy nhãn hiệu không trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của người khác đã được đăng ký thì doanh nghiệp nên nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong thời gian nhanh nhất để có ngày ưu tiên sớm. Hồ sơ này được nộp tại:

+ Cục Sở hữu trí tuệ;

+ Hoặc tại các địa điểm tiếp nhận đơn khác do Cục Sở hữu trí tuệ thiết lập.

Hồ sơ cũng có thể được gửi qua bưu điện tới các địa điểm tiếp nhận đơn nói trên. Cục Sở hữu trí tuệ không gửi trả lại các tài liệu đã nộp (trừ bản gốc tài liệu nộp để kiểm tra khi đối chiếu với bản sao).

Hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu:

Để đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, doanh nghiệp phải nộp tối thiểu các tài liệu sau đây:

+ Tờ khai đăng ký nhãn hiệu (mẫu 04-NH quy định tại Phụ lục A ban hành kèm theo Thông tư 01/2007/TT-BKHCN);

+ Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;

+ Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

Ngoài các tài liệu trên, thì tùy từng trường hợp doanh nghiệp cần bổ sung các tài liệu khác như sau:

+ Nếu là nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận thì có thêm Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;

+ Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý);

+ Bản đồ khu vực địa lý (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm, hoặc nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);

+ Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép đăng ký nhãn hiệu theo quy định tại điểm 37.7.a của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);

+ Giấy ủy quyền nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho cá nhân hoặc Giấy ủy quyền nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho tổ chức (nếu đơn nộp thông qua đại diện);

+ Tài liệu xác nhận được phép sử dụng các dấu hiệu đặc biệt (biểu tượng, cờ, huy hiệu, con dấu…);

+ Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;

+ Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

Và các tài liệu bổ trợ khác (nếu có).

Đối với trường hợp nhãn hiệu thuộc sở hữu chung của nhiều cá nhân tổ chức thì cần lưu ý:

Vì văn bằng bảo hộ sẽ chỉ được cấp cho người đầu tiên trong danh sách những người nộp đơn chung, do đó, khi làm Tờ khai đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì nên đánh dấu " X" vào nội dung yêu cầu cấp phó văn bằng bảo hộ đối với các chủ đơn khác để Cục sở hữu trí tuệ vừa cấp văn bằng bảo hộ cho người đầu tiên trong danh sách những người nộp đơn vừa cấp phó văn bằng bảo hộ cho những người thuộc sở hữu chung khác.

Trường hợp, khi làm hồ sơ đăng ký cấp văn bằng bảo hộ không yêu cầu cấp phó văn bằng bảo hộ cho những chủ sở hữu khác thì các chủ sở hữu chung khác có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ cấp phó bản văn bằng bảo hộ nhãn hiệu với điều kiện phải nộp lệ phí cấp phó bản. (Phó bản văn bằng bảo hộ này có giá trị tương đương với văn bằng bảo hộ)

Để yêu cầu cấp phó bản văn bằng bảo hộ, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị các tài liệu sau đây:

+Tờ khai cấp phó bản văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp (mẫu 03-PBVB quy định tại Phụ lục C ban hành kèm theo Thông tư 01/2007 TT-BKHCN).

+ Mẫu nhãn hiệu.

+ Giấy ủy quyền nộp hồ sơ yêu cầu cấp phó văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho cá nhân hoặc Giấy ủy quyền nộp hồ sơ yêu cầu cấp phó văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho tổ chức (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện).

+ Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

++ Nếu yêu cầu cấp phó bản đã được thể hiện trong tờ khai đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì doanh nghiệp không phải nộp bộ hồ sơ như nêu trên.

Thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu:

++ Thẩm định hình thức: 01 tháng từ ngày nhận đơn;

Nếu đơn còn có các thiếu sót sau đây, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo cho doanh nghiệp và trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo, doanh nghiệp phải sửa chữa thiếu sót đó:

+ Đơn không đáp ứng các yêu cầu về hình thức quy định tại điểm 7.2 của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN (không đủ số lượng bản của một trong số các loại tài liệu bắt buộc phải có; đơn không thoả mãn tính thống nhất; đơn không đáp ứng các yêu cầu về hình thức trình bày; đơn đăng ký nhãn hiệu không ghi rõ loại nhãn hiệu được đăng ký, thiếu phần mô tả nhãn hiệu, kết quả phân nhóm hàng hoá, dịch vụ không chính xác, thiếu bản dịch tài liệu hưởng quyền ưu tiên, nếu cần; thông tin về người nộp đơn tại các tài liệu không thống nhất với nhau hoặc bị tẩy xoá hoặc không được xác nhận theo đúng quy định...);

+ Chưa nộp đủ lệ phí nộp đơn và lệ phí công bố đơn;

+ Không có giấy uỷ quyền hoặc giấy uỷ quyền không hợp lệ (nếu đơn nộp thông qua đại diện).

Công bố đơn: 02 tháng từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ

Thẩm định nội dung đơn:

Không quá 09 tháng, kể từ ngày công bố đơn.

Lưu ý: Doanh nghiệp sau khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu thì có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu đó. Trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ 05 năm trở lên thì quyền sở hữu nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực.

Vì đây là vấn đề liên quan đến thủ tục, nên trên thực tế có thể sẽ khác so với quy định. Trước khi thực hiện, anh nên liên hệ trực tiếp cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn cụ thể, còn nội dung hỗ trợ này anh có thể tham khảo để chuẩn bị cho tốt hơn.

Về mức phí cụ thể, anh tham khảo tại Biểu phí quy định tại Thông tư 263/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

8,623 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào