Thư ký tòa án của phiên tòa vụ án hình sự có phải ghi biên bản nghị án hay không? Các vấn đề phải được giải quyết khi nghị án trong vụ án hình sự?
Thư ký tòa án của phiên tòa vụ án hình sự có phải ghi biên bản nghị án hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 326 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
Nghị án
1. Chỉ Thẩm phán và Hội thẩm mới có quyền nghị án. Việc nghị án phải được tiến hành tại phòng nghị án.
Chủ tọa phiên tòa chủ trì việc nghị án có trách nhiệm đưa ra từng vấn đề của vụ án phải được giải quyết để Hội đồng xét xử thảo luận, quyết định. Chủ tọa phiên tòa tự mình hoặc phân công một thành viên Hội đồng xét xử ghi biên bản nghị án. Các thành viên Hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề. Hội thẩm biểu quyết trước, Thẩm phán biểu quyết sau cùng. Nếu không có ý kiến nào chiếm đa số thì phải thảo luận và biểu quyết lại từng ý kiến của các thành viên Hội đồng xét xử đã đưa ra để xác định ý kiến chiếm đa số. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án.
2. Việc nghị án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ của vụ án, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác.
...
Theo đó, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tự mình hoặc phân công một thành viên Hội đồng xét xử ghi biên bản nghị án.
Và căn cứ theo quy định tại Điều 254 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về thành phần Hội đồng xét xử như sau:
Thành phần Hội đồng xét xử
1. Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm. Trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.
Đối với vụ án có bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, tử hình thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.
2. Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba Thẩm phán.
Theo đó, Hội đồng xét xử vụ án hình sự chỉ bao gồm Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân.
Như vậy, thư ký tòa án không thực hiện ghi biên bản nghị án mà sẽ do chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên Hội đồng xét xử ghi biên bản nghị án.
Thư ký tòa án của phiên tòa vụ án hình sự có phải ghi biên bản nghị án hay không? Các vấn đề phải được giải quyết khi nghị án trong vụ án hình sự? (Hình từ Internet)
Thành viên Hội đồng xét xử có cần phải ký tên vào biên bản nghị án trong vụ án hình sự trước khi tuyên án hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 259 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
Biên bản nghị án
1. Khi nghị án phải lập biên bản.
Biên bản nghị án phải được tất cả thành viên Hội đồng xét xử ký tại phòng nghị án trước khi tuyên án.
2. Biên bản nghị án của Hội đồng xét xử sơ thẩm phải ghi rõ:
a) Giờ, ngày, tháng, năm ra biên bản; tên Tòa án xét xử;
b) Họ tên Thẩm phán, Hội thẩm;
c) Vụ án được đưa ra xét xử;
d) Kết quả biểu quyết của Hội đồng xét xử về từng vấn đề đã thảo luận quy định tại khoản 3 Điều 326 của Bộ luật này, ý kiến khác (nếu có).
3. Biên bản nghị án của Hội đồng xét xử phúc thẩm phải ghi rõ các điểm a, c và d khoản 2 Điều này và họ tên các Thẩm phán.
Như vậy, trong vụ án hình sự tất cả các thành viên Hội đồng xét xử phải tiến hành ký tên vào biên bản nghị án tại phòng xử án trước khi tuyên án.
Các vấn đề phải được giải quyết khi nghị án trong vụ án hình sự là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 326 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về các vấn đề phải được giải quyết khi nghị án trong vụ án hình sự bao gồm:
- Vụ án có thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc thuộc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay không;
- Tính hợp pháp của những chứng cứ, tài liệu do Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thu thập; do luật sư, bị can, bị cáo, người tham gia tố tụng khác cung cấp;
- Có hay không có căn cứ kết tội bị cáo. Trường hợp đủ căn cứ kết tội thì phải xác định rõ điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự được áp dụng;
- Hình phạt, biện pháp tư pháp áp dụng đối với bị cáo; trách nhiệm bồi thường thiệt hại; vấn đề dân sự trong vụ án hình sự;
- Bị cáo có thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hay không;
- Án phí hình sự, án phí dân sự; xử lý vật chứng; tài sản bị kê biên, tài khoản bị phong tỏa;
- Tính hợp pháp của hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử;
- Kiến nghị phòng ngừa tội phạm, khắc phục vi phạm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.