Thời kỳ quy hoạch và tầm nhìn quy hoạch tỉnh là bao nhiêu năm? Tỷ lệ sơ đồ, bản đồ quy hoạch của quy hoạch tỉnh được quy định như thế nào?
Thời kỳ quy hoạch và tầm nhìn quy hoạch tỉnh là bao nhiêu năm?
Căn cứ theo Điều 8 Luật Quy hoạch 2017 quy định về thời kỳ quy hoạch như sau:
Thời kỳ quy hoạch
1. Thời kỳ quy hoạch là khoảng thời gian được xác định để làm cơ sở dự báo, tính toán các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho việc lập quy hoạch.
2. Thời kỳ quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là 10 năm. Tầm nhìn của quy hoạch cấp quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm. Tầm nhìn của quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh là từ 20 năm đến 30 năm.
Đồng thời căn cứ theo Điều 5 Luật Quy hoạch 2017 quy định về hệ thống quy hoạch quốc gia như sau:
Hệ thống quy hoạch quốc gia
1. Quy hoạch cấp quốc gia.
Quy hoạch cấp quốc gia bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia.
2. Quy hoạch vùng.
3. Quy hoạch tỉnh.
4. Quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.
5. Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Theo đó, thời kỳ quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là 10 năm.
Mà quy hoạch tỉnh thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, nên thời kỳ quy hoạch của quy hoạch tỉnh là 10 năm.
Tầm nhìn của quy hoạch tỉnh là từ 20 năm đến 30 năm.
Thời kỳ quy hoạch và tầm nhìn quy hoạch tỉnh là bao nhiêu năm? Tỷ lệ sơ đồ, bản đồ quy hoạch của quy hoạch tỉnh được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Tỷ lệ sơ đồ, bản đồ quy hoạch của quy hoạch tỉnh được quy định như thế nào?
Căn cứ vào Phụ lục I được ban hành kèm theo Nghị định 37/2019/NĐ-CP quy định về Danh mục và tỷ lệ bản đồ quy hoạch được sửa đổi bởi khoản 25 Điều 1 Nghị định 58/2023/NĐ-CP quy định về Danh mục và tỷ lệ sơ đồ, bản đồ quy hoạch thì tỷ lệ sơ đồ, bản đồ quy hoạch của quy hoạch tỉnh được quy định như sau:
- Sơ đồ in tỷ lệ 1:250.000 - 1:1.000.000 (tùy theo hình dạng và diện tích của tỉnh)
Sơ đồ vị trí và các mối quan hệ của tỉnh.
- Sơ đồ, bản đồ số và sơ đồ, bản đồ in tỷ lệ 1:25.000 - 1:100.000 (tùy theo hình dạng và diện tích tỉnh)
+ Các bản đồ về hiện trạng phát triển.
+ Sơ đồ đánh giá tổng hợp đất đai theo các mục đích sử dụng.
+ Sơ đồ phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn.
+ Sơ đồ phương án tổ chức không gian và phân vùng chức năng.
+ Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội.
+ Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật.
+ Sơ đồ, bản đồ phương án phân bổ và khoanh vùng các chỉ tiêu sử dụng đất*.
+ Sơ đồ, bản đồ phương án thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên*.
+ Sơ đồ phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu.
+ Sơ đồ phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện.
+ Sơ đồ vị trí các dự án dự kiến ưu tiên đầu tư trong thời kỳ quy hoạch.
+ Sơ đồ, bản đồ chuyên đề (nếu có).
- Sơ đồ, bản đồ số và sơ đồ, bản đồ in tỷ lệ 1:10.000 - 1:25.000
+ Bản đồ hiện trạng khu vực trọng điểm của tỉnh (nếu có).
+ Sơ đồ định hướng phát triển khu vực trọng điểm của tỉnh (nếu có).
(*) Lưu ý: Tùy vào điều kiện khác biệt của từng tỉnh có thể lập các sơ đồ, bản đồ riêng cho các đối tượng của ngành hoặc loại tài nguyên để đảm bảo thể hiện được nội dung quy hoạch trên sơ đồ, bản đồ.
Quy trình lập quy hoạch tỉnh được quy định như thế nào?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 16 Luật Quy hoạch 2017 thì quy trình lập quy hoạch tỉnh thực hiện theo các bước sau đây:
(1) Cơ quan lập quy hoạch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
(2) Cơ quan lập quy hoạch lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện nghiên cứu, xây dựng quy hoạch; phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đề xuất các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, các định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở lập quy hoạch;
(3) Các cơ quan, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện đề xuất nội dung đưa vào quy hoạch thuộc lĩnh vực phụ trách và gửi cơ quan lập quy hoạch;
(4) Cơ quan lập quy hoạch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, xử lý các vấn đề liên ngành, liên huyện nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của quy hoạch; đề xuất Điều chỉnh, bổ sung nội dung quy hoạch do các cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng;
(5) Các cơ quan, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện Điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện nội dung quy hoạch được phân công gửi cơ quan lập quy hoạch;
(6) Cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch và gửi lấy ý kiến theo quy định tại Điều 19 Luật Quy hoạch 2017;
(7) Cơ quan lập quy hoạch tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện quy hoạch trình Hội đồng thẩm định quy hoạch;
(8) Cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch theo kết luận của Hội đồng thẩm định quy hoạch trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
(9) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, thông qua quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.