Thời hạn giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được pháp luật quy định như thế nào?
- Nếu yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được trình bày trực tiếp thì cán bộ phụ trách cần làm gì?
- Thời hạn giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định như thế nào?
- Trường hợp xác định tổ chức kinh doanh hàng hóa có vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm gì?
Nếu yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được trình bày trực tiếp thì cán bộ phụ trách cần làm gì?
Căn cứ Điều 21 Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định như sau:
Thủ tục tiếp nhận yêu cầu
1. Trường hợp yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được lập bằng văn bản, cán bộ phụ trách tiếp nhận có trách nhiệm xem xét và tiếp nhận yêu cầu.
Trường hợp yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được trình bày trực tiếp, cán bộ phụ trách tiếp nhận phải lập thành văn bản và yêu cầu người tiêu dùng hoặc người đại diện của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản đó.
2. Trường hợp yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thiếu các nội dung quy định tại Điều 20 Nghị định này, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bổ sung. Việc bổ sung phải được thực hiện trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, trong trường hợp yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được trình bày trực tiếp thì cán bộ phụ trách tiếp nhận phải lập thành văn bản và yêu cầu người tiêu dùng ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản đó.
Thủ tục tiếp nhận yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (hình từ Internet)
Thời hạn giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định như thế nào?
Theo Điều 22 Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định như sau:
Giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
1. Sau khi tiếp nhận yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan có thẩm quyền tiến hành giải quyết yêu cầu. Trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền có quyền yêu cầu các bên giải trình, cung cấp thêm thông tin, tài liệu phục vụ cho việc giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
2. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời theo quy định tại Điều 26 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trường hợp vụ việc phức tạp, thời hạn trả lời có thể được gia hạn nhưng không quá mười lăm (15) ngày làm việc.
3. Trong quá trình giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nếu cơ quan có thẩm quyền xác định vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác thì chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan đó giải quyết và nêu rõ trong văn bản trả lời người tiêu dùng.
Chiếu theo quy định này, thời hạn giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định như sau:
- Trong vòng 15 ngày làm việc (không kể ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết) kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời theo quy định tại Điều 26 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.
- Nếu vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn trả lời có thể được gia hạn nhưng không quá 15 ngày làm việc (không kể ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết).
Trường hợp xác định tổ chức kinh doanh hàng hóa có vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm gì?
Theo Điều 26 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định như sau:
Giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
1. Khi nhận được yêu cầu của người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện có trách nhiệm yêu cầu các bên giải trình, cung cấp thông tin, bằng chứng hoặc tự mình xác minh, thu thập thông tin, bằng chứng để xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện có trách nhiệm trả lời bằng văn bản việc giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; trường hợp xác định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, văn bản trả lời phải có các nội dung sau đây:
a) Nội dung vi phạm;
b) Biện pháp khắc phục hậu quả;
c) Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả;
d) Biện pháp xử lý vi phạm hành chính, nếu có.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm b khoản 2 điều này bao gồm:
a) Buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thu hồi, tiêu hủy hàng hóa hoặc ngừng cung cấp hàng hóa, dịch vụ;
b) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân vi phạm;
c) Buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ loại bỏ điều khoản vi phạm quyền lợi người tiêu dùng ra khỏi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
4. Ngoài các biện pháp quy định tại khoản 3 Điều này, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tái phạm còn bị đưa vào Danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định được tổ chức kinh doanh hàng hóa có vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thì cơ quan này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản việc giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nội dung văn bản trả lời bao gồm:
- Nội dung vi phạm;
- Biện pháp khắc phục hậu quả;
- Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả;
- Biện pháp xử lý vi phạm hành chính, nếu có.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.