Thời gian tiến hành cuộc kiểm tra nội bộ trong thi hành án dân sự không được quá bao nhiêu ngày?
Thời gian tiến hành cuộc kiểm tra nội bộ trong thi hành án dân sự không được quá bao nhiêu ngày?
Thời gian tiến hành cuộc kiểm tra nội bộ được quy định tại khoản 4 Điều 16 Quy chế kiểm tra trong thi hành án dân sự ban hành kèm theo Quyết định 196/QĐ-TCTHADS năm 2021 như sau:
Ban hành quyết định kiểm tra
...
2. Trên cơ sở đề xuất của đơn vị hoặc người được giao chủ trì kiểm tra, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 10 của Quy chế ký quyết định kiểm tra nội bộ (mẫu số 01/QĐ-TCTHADS/CTHADS). Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ký, đoàn kiểm tra phải gửi Quyết định kiểm tra cho đối tượng được kiểm tra, thành viên đoàn kiểm tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thực hiện cập nhật lên cơ sở dữ liệu điện tử về kiểm tra thi hành án dân sự theo quy định.
3. Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung quyết định kiểm tra, người ký quyết định kiểm tra ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung trên cơ sở đề nghị của Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm tra hoặc Trưởng đoàn. Quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định kiểm tra phải được gửi cho đối tượng được kiểm tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (mẫu số 03/QĐ-TCTHADS/CTHADS/CCTHADS).
4. Thời gian tiến hành kiểm tra nội bộ không quá 15 ngày làm việc. Trường hợp cần thiết, có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày làm việc (mẫu số 04/QĐ-TCTHADS/CTHADS/CCTHADS).
Như vậy, theo quy định, thời gian tiến hành cuộc kiểm tra nội bộ trong thi hành án dân sự là không quá 15 ngày làm việc.
Trường hợp cần thiết, có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày làm việc.
Thời gian tiến hành cuộc kiểm tra nội bộ trong thi hành án dân sự không được quá bao nhiêu ngày? (Hình từ Internet)
Kế hoạch kiểm tra nội bộ trong thi hành án dân sự có phải gửi cho đối tượng được kiểm tra trước khi tiến hành kiểm tra không?
Kế hoạch kiểm tra nội bộ được quy định tại khoản 2 Điều 17 Quy chế kiểm tra trong thi hành án dân sự ban hành kèm theo Quyết định 196/QĐ-TCTHADS năm 2021 như sau:
Ban hành, phổ biến kế hoạch kiểm tra
1. Trưởng đoàn kiểm tra có trách nhiệm xây dựng và ban hành kế hoạch kiểm tra sau khi trình người có thẩm quyền quyết định kiểm tra phê duyệt. Kế hoạch kiểm tra phải xác định rõ mục đích, yêu cầu cuộc kiểm tra; phạm vi kiểm tra; nội dung kiểm tra; thời gian kiểm tra; chế độ thông tin, báo cáo; trách nhiệm của đoàn kiểm tra, đối tượng được kiểm tra và đơn vị, cá nhân liên quan. Nội dung chi tiết của kế hoạch kiểm tra sẽ là căn cứ, đề cương cho đối tượng được kiểm tra xây dựng báo cáo (mẫu số 40/KH-TCTHADS/CTHADS).
2. Kế hoạch kiểm tra phải được gửi cho đối tượng được kiểm tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chậm nhất là 05 ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc kiểm tra; trường hợp kiểm tra đột xuất thì phải gửi ngay sau khi kế hoạch kiểm tra được ban hành hoặc giao trực tiếp cho đối tượng được kiểm tra ngay khi bắt đầu tiến hành kiểm tra.
3. Trường hợp phải sửa đổi, bổ sung kế hoạch kiểm tra, Trưởng đoàn báo cáo người quyết định kiểm tra trước khi ký thông báo sửa đổi, bổ sung kế hoạch kiểm tra. Thông báo sửa đổi, bổ sung kế hoạch kiểm tra phải được thông báo cho đối tượng được kiểm tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chậm nhất là 03 ngày làm việc, kể từ ngày sửa đổi, bổ sung (mẫu số 41/TB-TCTHADS/CTHADS).
...
Như vậy, theo quy định thì kế hoạch kiểm tra nội bộ trong thi hành án dân sự có phải được gửi cho đối tượng được kiểm tra chậm nhất là 05 ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc kiểm tra;
Trường hợp kiểm tra đột xuất thì phải gửi ngay sau khi kế hoạch kiểm tra được ban hành hoặc giao trực tiếp cho đối tượng được kiểm tra ngay khi bắt đầu tiến hành kiểm tra.
Nội dung kết luận kiểm tra nội bộ trong thi hành án dân sự gồm những gì?
Nội dung kết luận kiểm tra được quy định tại khoản 2 Điều 24 Quy chế kiểm tra trong thi hành án dân sự ban hành kèm theo Quyết định 196/QĐ-TCTHADS năm 2021 như sau:
Ban hành kết luận kiểm tra
...
2. Nội dung kết luận kiểm tra
a) Kết quả kiểm tra: Nêu rõ kết quả đạt được và nhận xét, đánh giá kết quả đạt được; hạn chế, thiếu sót, vi phạm và nhận xét, đánh giá các hạn chế, vi phạm; nguyên nhân của hạn chế, vi phạm; nội dung tiếp thu giải trình và kết quả khắc phục của đối tượng kiểm tra.
b) Kết luận, kiến nghị: Nêu kết luận cụ thể từng nội dung được kiểm tra của đối tượng kiểm tra (từng đơn vị, nếu kiểm tra nhiều đơn vị), khẳng định những việc đối tượng kiểm tra đã làm đúng, làm tốt và có hiệu quả; kết luận những vấn đề còn tồn tại, thiếu sót, vi phạm; xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả, thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra (nếu có); trách nhiệm tập thể, cá nhân về từng hành vi vi phạm.
Kiến nghị đối với cơ quan quản lý cấp trên; kiến nghị các cơ quan liên quan đối với các vấn đề vượt quá thẩm quyền; biện pháp thực hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, thiếu sót, vi phạm; hình thức xử lý, thời gian chấp hành.
c) Tổ chức thực hiện: Trách nhiệm của tập thể, cá nhân thực hiện kết luận kiểm tra; thời gian thực hiện, thời gian báo cáo kết quả (mẫu số 48/KL-TCTHADS/CTHADS).
3. Trường hợp, kết luận kiểm tra có sai sót về lỗi kỹ thuật, Trưởng đoàn kiểm tra ban hành văn bản đính chính kết luận sau khi báo cáo người ký quyết định kiểm tra và thông báo cho đối tượng được kiểm tra biết (mẫu số 49/CV-TCTHADS/CTHADS/CCTHADS).
...
Như vậy, theo quy định, nội dung kết luận kiểm tra nội bộ trong thi hành án dân sự gồm có:
(1) Kết quả kiểm tra:
- Nêu rõ kết quả đạt được và nhận xét, đánh giá kết quả đạt được;
- Hạn chế, thiếu sót, vi phạm và nhận xét, đánh giá các hạn chế, vi phạm;
- Nguyên nhân của hạn chế, vi phạm;
- Nội dung tiếp thu giải trình và kết quả khắc phục của đối tượng kiểm tra.
(2) Kết luận, kiến nghị:
- Nêu kết luận cụ thể từng nội dung được kiểm tra của đối tượng kiểm tra (từng đơn vị, nếu kiểm tra nhiều đơn vị), khẳng định những việc đối tượng kiểm tra đã làm đúng, làm tốt và có hiệu quả;
- Kết luận những vấn đề còn tồn tại, thiếu sót, vi phạm;
- Xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả, thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra (nếu có);
- Trách nhiệm tập thể, cá nhân về từng hành vi vi phạm.
Kiến nghị đối với cơ quan quản lý cấp trên; kiến nghị các cơ quan liên quan đối với các vấn đề vượt quá thẩm quyền; biện pháp thực hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, thiếu sót, vi phạm; hình thức xử lý, thời gian chấp hành.
(3) Tổ chức thực hiện: Trách nhiệm của tập thể, cá nhân thực hiện kết luận kiểm tra; thời gian thực hiện, thời gian báo cáo kết quả.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.