Thời gian thử việc có được tính để chi trả trợ cấp thôi việc hay không? Mức phạt khi công ty không trả tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động?
Người lao động phải thỏa mãn điều kiện nào mới được chi trả trợ cấp thôi việc?
Theo Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
"Điều 46. Trợ cấp thôi việc
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này."
Đối chiếu quy định trên, một trong những điều kiện cần mà người lao động phải thỏa mãn thì mới được xem xét chi trả trợ cấp thôi việc đó là:
- Có hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật lao động.
- Làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên.
Trợ cấp thôi việc (Hình từ Internet)
Khi xem xét thời gian làm việc để tính chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động thì có tính cả thời gian thử việc không?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định như sau:
"Điều 8. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm
[...]
3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trong đó:
a) Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã trực tiếp làm việc; thời gian thử việc; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương; thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 111, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114, khoản 1 Điều 115; thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 176 và thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 128 của Bộ luật Lao động.
[...]"
Đối chiếu quy định trên, trường hợp của bạn nếu người lao động đang thử việc, khi kết thúc thử việc thì không đủ điều kiện để xem xét chi trả trợ cấp thôi việc, do không thỏa đủ điều kiện theo quy định nêu trên.
Còn nếu như trong trường hợp họ vào làm việc chính thức, có hợp đồng lao động theo đúng quy định và nghỉ việc thì vẫn được xem xét chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định trên.
Do đó, khi xem xét thời gian làm việc để tính chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động sẽ tính cả thời gian thử việc của họ.
Mức phạt khi công ty không trả tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động?
Theo khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP nếu không trả trợ cấp thôi việc cho người lao động sẽ bị xử phạt như sau:
"Điều 12. Vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động
...
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Sửa đổi thời hạn của hợp đồng bằng phụ lục hợp đồng lao động; không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền cho người lao động theo quy định của pháp luật khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; không cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
..."
Như vậy, tùy theo mức độ vi phạm mà người sử dụng lao động có thể sẽ bị phạt lên đến 20 triệu đồng khi không trả trợ cấp thôi việc cho người lao động.
Lưu ý: Đối với tổ chức mức phạt có thể lên đến 40 triệu đồng theo Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Ngoài ra, công ty còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trả đủ tiền trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền chưa trả tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo điểm a khoản 4 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.