Thời gian hưởng chế độ thai sản là bao lâu? Lao động nữ có được đi làm sớm trong thời gian được nghỉ chế độ thai sản không?
Thời gian hưởng chế độ thai sản là bao lâu?
Căn cứ vào Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian nghỉ thai sản khi sinh con trong trường hợp thông thường được quy định như sau:
"Điều 34. Thời gian hưởng chế độ khi sinh con
1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng."
Theo đó, thời gian hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con thông thường sẽ là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian hưởng chế độ thai sản là bao lâu? (Hình từ Internet)
Lao động nữ có được đi làm sớm trong thời gian được nghỉ chế độ thai sản không?
Về vấn đề của chị, theo quy định tại Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
"Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội."
Theo đó, chế độ Bảo hiểm xã hội (gồm chế độ thai sản) nhằm mục đích bù đắp phần thu nhập của người lao động bị mất, cụ thể ở đây đối với chế độ thai sản thì bù đắp khi họ nghỉ sinh. Bên cạnh đó, tại Điều 139 Bộ Luật lao động 2019 có nêu:
"Điều 139. Nghỉ thai sản
...
4. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội."
Theo đó, pháp luật chỉ cho phép đi làm sớm trước 02 tháng, và trong 02 tháng này sẽ được nhận chế độ của cả 02 (tiền lương đơn vị trả và tiền chế độ thai sản BHXH). Còn đối với 04 tháng đầu thì người lao động không thể hưởng cùng lúc hai chế độ.
Do đó, nếu làm việc ở nhà mà muốn nhận cả chế độ BHXH thì tiền lương của 04 tháng đầu đơn vị nên chuyển thành phụ cấp nào đó do quy chế tài chính của đơn vị ban hành, không xác định đó là tiền lương làm việc.
Nếu không thì cơ quan BHXH sẽ truy thu tiền chế độ thai sản của 04 tháng đầu và đơn vị có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về việc kê khai sai hưởng chế độ BHXH.
Điều kiện để hưởng chế độ thai sản theo quy định là gì?
Căn cứ Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về điều kiện hưởng chế độ thai sản được quy định như sau:
“Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.”
Theo đó, lao động là nữ một khi mang thai là đã thuộc vào trường hợp người lao động được hưởng chế độ thai sản và sẽ đương nhiên hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.